Trong buổi sáng, Quốc hội đã nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam; tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021 và thảo luận trực tuyến Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đặc biệt Quốc hội đã dành phần lớn thời gian thảo luận về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phía Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã có nhiều đóng góp bổ sung vào tờ trình dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể, về trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và Nghị quyết, đồng chí Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trần Văn Mão kiến nghị, giữ như quy trình hiện hành giao cơ quan thẩm tra chủ trì giúp UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý dự thảo. Tuy nhiên, cần rà soát, bổ sung quy định nhằm làm rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và các khâu khác của quy trình ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Mặt khác, quy định như phương án 2 của dự thảo sẽ giảm tải được công việc cho các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án; phù hợp với xu thế tăng số lượng đại biểu chuyên trách của Quốc hội trong thời gian tới, bảo đảm tính khách quan trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương (cấp huyện xã), đồng chí Trần Văn Mão đề nghị giữ nguyên quy định về thẩm quyền xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Theo đó, thẩm quyền ban hành văn bản của chính quyền cấp huyện, cấp xã chỉ trong trường hợp luật giao nhằm tinh giản hệ thống pháp luật.
Đối với Khoản 4, Điều 1 dự thảo quy định về thủ tục hành chính trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đồng chí Trần Văn Mão cho rằng chưa đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Do đó, kiến nghị sửa đoạn“trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại Khoản 4, Điều 27 Luật này”thành ““trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để triển khai nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được ban hành theo Khoản 4, Điều 27 Luật này” cho phù hợp.
Một số kiến nghị về việc cần nâng cao vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và việc lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cũng đã được đại diện đoàn ĐBQH Nghệ An kiến nghị tại hội nghị.