Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm(sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.
Trên cơ sở thực tiễn quản lý nhà nước và kinh doanh bảo hiểm cũng như nghiên cứu dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), các ý kiến tham gia góp ý cơ bản đồng tình với dự thảo và đề xuất bổ sung, sửa đổi một số điều khoản.
Vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra liên quan đến tranh chấp quyền lợi bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm; nguyên nhân chính là doanh nghiệp bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm và bên mua bảo hiểm chưa hiểu hết các điều khoản loại trừ trách nhiệm.
Từ thực tiễn đó, trong dự thảo lần này có quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giải thích rõ điều kiện loại trừ bảo hiểm và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm trong việc đọc kỹ quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cân nhắc quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung khi giao kết hợp đồng bảo hiểm; bởi thực tiễn việc lưu trữ bằng chứng rất khó khăn.
Để nâng cao chất lượng kinh doanh bảo hiểm, khắc phục tình trạng nhiều đại lý cung cấp cho khách hàng không đúng quyền lợi bảo hiểm và hạn chế bên mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng giữa chừng; một số ý kiến đề xuất, dự thảo luật cần có những quy định điều chỉnh, tăng sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm; đồng thời cần quy định về trình độ văn hóa đối với những người tham gia đại lý bảo hiểm, gắn với quy định về thời gian đào tạo đối với những người tham gia làm đại lý bảo hiểm.
Bởi kinh doanh bảo hiểm liên quan đến tài chính, sức khỏe, dài hạn, sản phẩm ngày càng đa dạng, cho nên đây là lĩnh vực khó, cần phải quy định chặt chẽ hơn.
Một số đại biểu cũng nêu một số bất cập trong thực tiễn, nhưng dự thảo luật chưa đề cập điều chỉnh, như việc một số ngân hàng quy định điều kiện vay vốn phải có hợp đồng bảo hiểm của chính ngân hàng đó, trong khi nguyên tắc tham gia bảo hiểm là tự nguyện; hay một số doanh nghiệp bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm cháy nổ, tàu cá, trong khi đây là các loại bảo hiểm bắt buộc.
Một số ý kiến đề xuất cần bổ sung quy định về chế tài, khung xử phạt đối với các hành vi gian lận bảo hiểm; bổ sung vai trò quản lý Nhà nước về hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, cơ quan Thanh tra, hoạt động Kiểm toán.
Các ý kiến cũng góp ý nhiều vào câu chữ trong dự thảo luật để đảm bảo chặt chẽ, chính xác; đồng thời góp ý làm rõ một số khái niệm về kinh doanh bảo hiểm; bên mua bảo hiểm; sự kiện bảo hiểm; người thụ hưởng bảo hiểm; đồng bảo hiểm; tái bảo hiểm; giám định tổn thất bảo hiểm; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm; hợp đồng bảo hiểm; bảo hiểm trách nhiệm…
Trên cơ sở ý kiến tham gia của các đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnhsẽ nghiên cứu, tổng hợp báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào trong tháng 10 này và sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3, diễn ra vào giữa năm 2022.
Vì vậy mong muốn các đại biểu tiếp tục nghiên cứu để tham gia góp ý làm cơ sở cho Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến tại kỳ họp của Quốc hội có chất lượng và Luật khi ban hành có hiệu quả, giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra.