Địa bàn huyện Đô Lương có nhiều tuyến giao thông trọng điểm đi qua, gồm 7 tuyến quốc lộ, 5 tuyến tỉnh lộ, 29 tuyến đường liên huyện và hàng trăm km đường giao thông nông thôn. Đô Lương có khá nhiều mỏ VLXD đá, cát, tình trạng xe chở vật liệu xây dựng quá tải trên một số tuyến đường phục vụ cho một số công trình dân sinh, công trình cao tốc Bắc-Nam gây rơi vãi bụi bẩn, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn…
Trung tá Cao Viết Tuấn - Đội trưởng Đội CSGT huyện Đô Lương cho biết: Công an huyện Đô Lương đã tham mưu, ban hành các kế hoạch, chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra và xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện đường bộ… tăng cường lực lượng tham gia các tổ công tác kiểm tra để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chở quá tải trọng, cơi nới thùng xe.
Theo đó, lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Đô Lương đã tăng cường lực lượng, phương tiện, duy trì các chốt và tổ chức tuần tra, kiểm soát ở các tuyến giao thông đã được phân cấp như tuyến Quốc lộ 7C, Quốc lộ 46C, Quốc lộ 48E và 5 tuyến tỉnh lộ.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức cho các chủ doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và chủ phương tiện vận tải, ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về kiểm soát tải trọng và kích thước thành thùng hàng. Triển khai lực lượng rà soát lại mạng lưới giao thông, nắm chắc các điểm đầu, cuối chở hàng quá tải, quá khổ, bố trí, phối hợp lực lượng, tập trung giải quyết dứt điểm các tuyến, xe vi phạm. Coi trọng việc tiếp thu các thông tin truyền thông, phản ánh của nhân dân về tình trạng hoạt động của xe quá tải, quá khổ.
Nhờ thực hiện tốt khâu tuyên truyền cũng như kiên quyết kiểm tra, xử lý, nhiều nhà xe trên địa bàn đã ý thức được vấn đề chở quá khổ, quá tải. Ông Trần Đức Danh - Giám đốc Công ty Trường An (Thúy Danh) cho biết: Đơn vị chúng tôi có khá nhiều xe vận tải chủ yếu chở VLXD phục vụ đường cao tốc. Chúng tôi luôn cố gắng chấp hành tốt, chở đủ tải, che đậy hàng hóa, không để rơi vãi, chạy với tốc độ cho phép để đảm bảo an toàn.
Bằng sự quyết tâm, trong năm 2021, Đội CSGT - TT Công an huyện Đô Lương đã xử lý xe quá khổ 43 trường hợp, quá tải19 trường hợp, rơi vãi 120 trường hợp, xử phạt hơn 700 triệu đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, Công an huyện Đô Lương xử lý được thêm 40 trường hợp quá khổ, quá tải, rơi vãi hàng, cải tạo thành thùng xe.
Bên cạnh đó, Đội CSGT đường bộ số 2 Phòng CSGT tỉnh Nghệ An (Trạm 1-7) phụ trách tuyến QL 7A từ huyện Diễn Châu lên huyện Kỳ Sơn đã thường xuyên bố trí các cán bộ, chiến sĩ túc trực 24/24h trên tuyến đường nhằm ngăn chặn các phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải, chở vật liệu rơi vãi hoạt động trên địa bàn từ huyện Diễn Châu lên huyện Kỳ Sơn.
Trung tá Nguyễn Thanh Hồng - Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 2 Phòng CSGT tỉnh Nghệ An (Trạm 1-7) cho biết: Đội còn phối kết hợp với công an các huyện thực hiện xử lý xe quá khổ, quá tải, tổ chức ký cam kết với các chủ xe, chủ doanh nghiệp trên địa bàn các huyện. Từ đầu năm 2022 đến nay, Đội đã xử lý trên tuyến QL 7A xe quá tải 21 trường hợp, xe quá khổ 37 trường hợp, xe rơi vãi 35 trường hợp, 5 xe với nội thành thùng, xử phạt nạp ngân sách Nhà nước trên 500 triệu đồng.
Để ngăn chặn tình trạng xe quá khổ, quá tải, Đội CSGT huyện Đô Lương đề xuất một số giải pháp sau: Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nhất là vào các khung giờ ban đêm, các tuyến đường phương tiện hay chở hàng quá khổ, quá tải, rơi vãi... xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông nhất là phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải; chở đất đá, vật liệu xây dựng không có bạt che phủ để rơi vãi...
Chỉ đạo lực lượng Công an các xã, thị trấn, nắm chắc tình hình về hoạt động của các phương tiện thường xuyên chở hàng quá khổ, quá tải, chở hàng rơi vãi, chạy luồn lách trong đường liên thôn, xóm để xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát môi trường, Thanh tra giao thông vận tải tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông nhất là phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải; chở đất đá, vật liệu xây dựng không có bạt che phủ để rơi vãi...
Tổ chức ký cam kết không chở cát sỏi ướt, chở hàng đã được che đậy, không rơi vãi. Tổ chức lắp đặt camera tại các điểm ra vào cửa mỏ đá, cát, sỏi nơi tập kết vật liệu xây dựng và kết nối để truyền dữ liệu hình ảnh về UBND huyện nhằm kiểm soát, phát hiện kịp thời phương tiện vi phạm để xử lý.
Thiết nghĩ, để thực hiện có hiệu quả xử lý xe quá khổ, quá tải, ngoài sự nỗ lực của lực lượng CSGT Công an huyện Đô Lương, Đội CSGT đường bộ số 2, rất cần có sự đồng thuận, giúp sức của các lực lượng chức năng, sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các chủ phương tiện vận tải.