Thái Sơn - Đô Lương vốn là xã thuần nông, bà con cơ bản chỉ thâm canh cây lúa, trồng cây ăn quả ở vườn nhà và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sản phẩm nông nghiệp làm ra cơ bản chỉ xuất bán trong huyện.
Năm 2018, chị Hoàng Thị Phương - sinh năm 1991, một người con quê xã Thái Sơn nhận thấy quê mình đồng ruộng phì nhiêu, gạo thơm ngon, do vậy chị nghĩ phải tạo ra sản phẩm hàng hóa từ gạo. Xuất phát từ ý tưởng đó, về quê, chị mở xưởng sản xuất vỏ bánh ram (bánh đa nem) phơi sương ngay tại gia đình mình ở xóm 1.
bna_a27087894_832021.jpgNgoài bánh đa vừng, làng nghề Vĩnh Đức - Đô Lương còn làm thêm sản phẩm bánh đa gấc thơm ngon, bổ dưỡng. Ảnh: Ngọc Phương

Hiện nay, sản phẩm đặc sản vỏ bánh ram với thương hiệu Kiu Kiu đã trở thành mặt hàng nổi tiếng và được tiêu thụ trên thị trường cả nước. Dịp lễ, Tết, mỗi ngày cơ sở này hoạt động từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối để có đủ lượng hàng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, tiêu thụ hết 200 kg gạo, sử dụng 8-10 công nhân và cho ra thị trường hàng trăm ngàn chiếc bánh các loại. Ngày thường việc sản xuất có ít hơn, xưởng tiêu thụ 100 kg đến 150 kg gạo. Sản phẩm vỏ bánh ram Kiu Kiu là 1 trong 5 sản phẩm đầu tiên của huyện Đô Lương đạt OCOP cấp tỉnh năm 2020.

Chị Hoàng Thị Phương cho biết: “Sản phẩm của chúng tôi hiện đang bán và phân phối tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, Hải Dương, Quảng Ninh… Sản phẩm có khác biệt với các dòng sản phẩm khác đó là lá bánh rất dẻo, mềm, dai, dễ cuốn, khi chiên lên rất giòn. Sản phẩm hiện nay đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao”. 
Bánh đa Đô Lương đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: Ngọc Phương

Đô Lương là địa phương có thế mạnh với nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng như bánh đa, kẹo lạc, chè xanh Thống Nhất… Ngoài làng nghề bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức, ở huyện Đô Lương còn có thương hiệu bánh đa Lương Sơn ở xã Nhân Sơn. Sau 2 năm mở xưởng, đến nay cơ sở này đã mở thêm 1 xưởng sản xuất ở Bình Dương. Diện tích mỗi xưởng hơn 3.000 m2, giải quyết lao động việc làm cho hơn 30 lao động địa phương, công suất tối đa mỗi xưởng tầm 2 vạn bánh/ngày. Thị trường bánh được tiêu thụ từ các tỉnh từ miền Bắc đến miền Nam.

“Chất lượng bánh của chúng tôi sản xuất ra rất đồng đều, giữ hương vị truyền thống. Sản phẩm đã được bình chọn sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2020 và được nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Để tạo ra sản phẩm sạch, chúng tôi chú trọng từ khâu chọn nguyên liệu, quy trình sản xuất. Nguyên liệu phải rõ nguồn gốc từ mảnh đất Đô Lương. Lao động đều được trang bị kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm”

Anh Nguyễn Ngọc Phương - chủ cơ sở sản xuất bánh đa Lương Sơn cho biết.

Để tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, ngay từ đầu năm 2019, UBND huyện Đô Lương đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân. Huyện đã tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành, tập huấn cho các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất. 
Để xây dựng sản phẩm OCOP, UBND huyện Đô Lương đã rà soát đánh giá, lựa chọn hoàn thiện và nâng cấp được 22 sản phẩm hiện có của các xã, thị trấn. Kết quả phân hạng xếp loại, có 11 sản phẩm OCOP của huyện đạt từ 50 điểm trở lên và có 5 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An năm 2020.
Bánh đa Đô Lương được phơi trên diện tích không khí trong lành. Ảnh: Ngọc Phương
Trong đó, sản phẩm bánh đa Lương Sơn, xã Nhân Sơn, vỏ bánh ram Kiu Kiu xã Thái Sơn được xếp hạng 3 sao. Sản phẩm thảo dược thiên nhiên của Công ty TNHH Hà Duy Minh xã Lam Sơn như: Dầu gội thảo dược, túi lọc thảo dược tắm cho bé đạt OCOP 4 sao, được cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Nghệ An.  

Năm 2021 này, chúng tôi đang triển khai làm thêm các sản phẩm của làng nghề Vĩnh Đức, mô hình chanh không hạt, quýt ngọt... phấn đấu được công nhận đạt OCOP của tỉnh.  Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia, mở các lớp tập huấn xây dựng các sản phẩm OCOP. Đa dạng hóa các sản phẩm OCOP mới, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm... để có đầu ra bền vững.

Ông Hoàng Văn Hiệp – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương

Bước đầu có thể khẳng định, chương trình OCOP là giải pháp góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới thành công ở hyện Đô Lương. Với sự chăm chỉ, cần cù tiếp cận nhanh của bà con nông dân cùng với sự hỗ trợ, tiếp sức của chính quyền huyện, các sản phẩm OCOP của Đô Lương sẽ có chỗ đứng trên thị trường.