Huyện Đô Lương hiện đạt 591 tiêu chí/ KH 608 tiêu chí, có 29/32 xã được tỉnh công nhận đạt xã nông thôn mới (NTM). Hiện nay các cấp, ngành liên quan, cùng người dân 3 xã (Giang Sơn Tây, Đại Sơn và Hồng Sơn) đang nỗ lực về đích NTM để trong năm 2021, tất cả các xã trong huyện đạt NTM; hướng tới mục tiêu đạt huyện NTM vào năm 2023 và có 15 xã đạt NTM nâng cao vào năm 2025.

bna_image_9457368_3032021.jpgĐồng chí Phùng Thành Vinh - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Đô Lương kiểm tra vườn mẫu nông thôn mới ở Đô Lương. Ảnh: P.V

Tập trung nguồn lực cho 3 xã còn lại 

3 xã Giang Sơn Tây, Đại Sơn và Hồng Sơn thuộc diện khó khăn nhất ở Đô Lương. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2021 Thường trực Huyện ủy đã làm việc với 3 địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề ra các giải pháp thực hiện NTM.
Xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ở xã Tân Sơn (Đô Lương). Ảnh: P.V

Xã Đại Sơn hiện vẫn còn 4/19 tiêu chí chưa đạt NTM đó là: tiêu chí số 2 (giao thông), tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa), tiêu chí 16 (văn hóa), tiêu chí số 18 (về hệ thống chính trị). Những khó khăn, vướng mắc này đã được Thường trực Huyện ủy Đô Lương tháo gỡ kịp thời. Theo đó, các phòng, ban liên quan ở huyện sẽ tổ chức rà soát cụ thể các tiêu chí để chỉ đạo thực hiện, đồng thời có các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, trong đó, cùng với hỗ trợ xi măng theo cơ chế của tỉnh, huyện hỗ trợ 700 tấn xi măng…

Ông Nguyễn Cảnh Tâm - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho hay: Với sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của huyện, đã tạo động lực quan trọng cho Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Đại Sơn quyết tâm hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM. Hiện nay, xã đang tập trung công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương, làng xóm, tạo sự đồng thuận, đoàn kết thống nhất, quyết tâm cao trong xây dựng NTM. Cùng với đó, tập trung huy động các nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, sự hưởng ứng của người dân để lồng ghép triển khai các công trình NTM. Hiện nay, xã đã làm xong 11 km đường bê tông giao thông và sắp tới sẽ làm thêm 7 km đường bê tông. Xã cũng trích ngân sách địa phương hơn 2 tỷ đồng mua 1.500 tấn xi măng phục vụ các công trình, ngoài ra, vận động người dân đóng góp ngày công, đá, sỏi, xi măng làm đường bê tông…
Người dân Đô Lương tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh P.V

Đối với xã Giang Sơn Tây và xã Hồng Sơn, do cơ sở hạ tầng yếu, thương mại dịch vụ phát triển chậm, nguồn thu ngân sách ít, trong khi đó người dân chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nên có nhiều khó khăn khi bắt tay vào xây dựng NTM.

Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng các danh hiệu văn hóa chưa được chú trọng. Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia đóng góp xây dựng NTM chưa đạt yêu cầu; do đó, tại xã Giang Sơn Tây hiện còn 7/19 tiêu chí chưa đạt và xã Hồng Sơn có 7/19 tiêu chí chưa đạt. Trước thực tế đó, Thường trực Huyện ủy Đô Lương đã có chủ trương, chính sách phù hợp hỗ trợ các xã  hoàn thành các tiêu chí NTM, trong đó, ưu tiên hỗ trợ xi măng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật… Bằng sự  vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và người dân xã Giang Sơn Tây và xã Hồng Sơn quyết tâm hoàn thành các tiêu chí NTM trong năm 2021.

Hiện nay, huyện Đô Lương đang tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho 3 xã (Đại Sơn, Giang Sơn Tây và Hồng Sơn) đạt chuẩn NTM và 2 xã (Đặng Sơn và Yên Sơn) về đích NTM nâng cao. Huyện đã đầu tư 3,5 tỷ đồng mua xi măng hỗ trợ cho các xã làm đường giao thông bằng bê tông và những quan tâm, giúp đỡ khác.
Quyết tâm về đích huyện nông thôn mới
Đô Lương là vùng đất khá năng động trong phát triển kinh tế - xã hội, bởi vậy, khi triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM được các cấp, địa phương quan tâm, hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là sự đón nhận, ủng hộ, chung tay góp sức của doanh nghiệp, đông đảo tầng lớp nhân dân, từ đó tạo động lực, khí thế thi đua sôi nổi về xây dựng NTM trên địa bàn huyện.
Nhà máy nước Hòa Sơn đi vào hoạt động đã nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Ảnh: H.V

Kết quả thực hiện NTM ở Đô Lương khá nổi bật. Giai đoạn 2010 - 2020, huyện đã huy động hơn 2.080 tỷ đồng (chưa tính nguồn lực của nhân dân đầu tư vào tiêu chí số 9) xây dựng NTM (gồm vốn ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư của doanh nghiệp, vốn dân góp…). Riêng năm 2020, đã huy động được 195,68 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện hỗ trợ trực tiếp là 54,344 tỷ đồng, ngân sách huy động khác là 96,336 tỷ đồng, vốn dân góp 45 tỷ đồng. Huyện đã vận động nhân dân đóng góp hàng trăm ngàn ngày công, hiến khoảng 640.000 m2 đất để xây dựng các công trình công cộng như đường giao thông, nâng cấp các nhà văn hóa xóm.

Từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Trung ương, các cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện đã triển khai thực hiện nhiều mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, đem lại hiệu quả cao.

Nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn như: Mô hình nuôi cá rô phi thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với bao tiêu sản phẩm tại xã Trù Sơn; trồng hoa trong nhà màng tại xã Giang Sơn Đông; trồng rau trong nhà lưới tại các xã Tràng Sơn, Trung Sơn, Lạc Sơn, Đại Sơn; trồng cây ăn quả tại các xã Trung Sơn, Giang Sơn Đông; mô hình lúa chất lượng cao tại các xã Tân Sơn, Hòa Sơn, Nhân Sơn, Mỹ Sơn; trồng lạc giống tại các xã Trù Sơn, Thái Sơn; nuôi gà, lợn, theo hướng VietGAP và an toàn sinh học tại các xã Hồng Sơn, Đông Sơn, Yên Sơn, Văn Sơn, Thịnh Sơn, Lạc Sơn, Xuân Sơn, Hiến Sơn, Giang Sơn Tây. Chỉ đạo các xã thực hiện một số mô hình thu gom rác thải, bảo vệ môi trường xây dựng nông thôn mới. Ban hành kế hoạch và từng bước thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". 

Một góc thị trấn Đô Lương. Ảnh: P.V

Từ năm 2012 - 2020, huyện đã phân bổ 65.910 tấn xi măng cho 32 xã làm đường giao thông nông thôn cấp A, B. Trong đó: Xi măng do UBND tỉnh cấp theo chỉ tiêu và cấp hỗ trợ ngoài chỉ tiêu (trước năm 2015, các xã giáo dân, xã khó khăn) 61.200 tấn, ngân sách huyện hỗ trợ 4.710 tấn. Riêng năm 2020, tổng lượng xi măng phân bổ hỗ trợ cho các xã là 8.650 tấn…

Ông Trần Ngọc Thuận - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Đô Lương cho biết: Trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, huyện Đô Lương luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành và cùng với đó là sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của huyện, đông đảo người dân nên đạt được kết quả cao. Toàn huyện đạt 591 tiêu chí/KH 608 tiêu chí; có 29/32 xã được tỉnh công nhận đạt xã NTM. Riêng năm 2020, có 5 xã đạt chuẩn NTM là: Giang Sơn Đông, Bài Sơn, Nhân Sơn, Minh Sơn, Trù Sơn và có 187 tiêu chí/KH 435 tiêu chí NTM nâng cao. 
Trong năm 2021, với quyết tâm xây dựng 3 xã cuối cùng về đích NTM, sẽ ghi dấu mốc quan trọng để năm 2022 Đô Lương chỉ đạo thực hiện đạt bộ tiêu chí huyện NTM trình cấp trên thẩm tra, thẩm định xét công nhận huyện NTM, để đến năm 2023 đạt huyện NTM  và đến năm 2025 có 15 xã đạt NTM nâng cao.