bna_hoangvietduong7034148_18102018.jpgĐồng chí Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, cùng một số ngành.

Thông tin đến đoàn giám sát của HĐND tỉnh, UBND huyện Đô Lương cho biết, trên địa bàn có 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc danh sách cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng gồm: Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương, Trại lợn giống ngoại Thái Dương và cơ sở sản xuất hạt nhựa Luận Phượng (đã đình chỉ hoạt động). 

Tính đến ngày 30/6/2018, trên địa bàn huyện Đô Lương hiện có 392 doanh nghiệp, trong đó có hơn 200 doanh nghiệp có mã số thuế. Tuy nhiên, mới chỉ có 142 doanh nghiệp đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Tổng số người lao động làm việc có hợp đồng từ 3 tháng trở lên là 10.243 người, thu nhập bình quân hơn 3,6 triệu đồng/tháng. Nhưng tổng số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội mới chỉ 7.284 người, bảo hiểm y tế là 7.319 người và bảo hiểm thất nghiệp 7.284 người.

Lãnh đạo huyện Đô Lương cũng cho hay, trên địa bàn có 9 công ty trốn đóng và 10 công ty chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tổng nợ cả 3 loại bảo hiểm trên năm 2018 là hơn 1,5 tỷ đồng.

Bí thư Huyện ủy Đô Lương Ngọc Kim Nam phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Huyện ủy Đô Lương Ngọc Kim Nam chia sẻ những khó khăn trong xử lý ô nhiễm môi trường tại địa phương, trong đó có kinh phí, qua đó đề nghị tỉnh nghiên cứu, quan tâm điều tiết trở lại nguồn thu phí môi trường từ doanh nghiệp vùng khai thác khoáng sản cho huyện để xử lý các vấn đề về môi trường. 

Vì thực tế, kinh phí thực hiện công tác bảo vệ môi trường ở cấp huyện đang rất hạn chế, như Đô Lương kinh phí bố trí cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm 2018 chỉ hơn 2,2 tỷ đồng, trong đó dự kiến chi cho xử lý rác thải tập trung đã 1,9 tỷ đồng; hỗ trợ khắc phục ô nhiễm môi trường chỉ 270 triệu đồng, còn lại 50 triệu đồng hỗ trợ kinh phí cho các đoàn kiểm tra khai thác khoảng sản.

Huyện Đô Lương cũng chỉ ra một số khó khăn dẫn đến tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp như: nhiều doanh nghiệp thành lập nhưng không có mã số thuế, thậm chí khi cơ quan chức năng đi kiểm tra không tìm thấy doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa, hoạt động không ổn định nên khi tham gia đóng 3 loại bảo hiểm trên lại gây ra nợ đọng.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường ghi nhận công tác quản lý Nhà nước của huyện Đô Lương liên quan đến lĩnh vực giám sát.

Trại lợn giống ngoại Thái Dương ở xã Đại Sơn là 1 trong 3 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn huyện Đô Lương. Ảnh: Thành Duy

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết đề nghị huyện Đô Lương tăng cường chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động và chế độ, chính sách đối với người lao động tại các cụm công nghiệp, đơn vị sự nghiệp; quan tâm tốt hơn việc xử lý rác thải ở nông thôn, bảo vệ môi trường trên địa bàn;...