Theo báo cáo của UBND huyện, trên địa bàn huyện có tổng 248 doanh nghiệp hoạt động và KCN VSIP. Thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp trong công tác BVMT, huyện đã quan tâm thông qua việc xác nhận, gắn với kiểm tra “hậu” xác nhận kế hoạch BVMT đối với các cơ sở sản xuất thuộc thẩm quyền.
Huyện cũng quan tâm triển khai các quy định pháp luật về ATVSLĐ và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động trong các doanh nghiệp, gắn với kiểm tra, nhắc nhở.
Từ năm 2016 đến nay, huyện đã kiểm tra hơn 70 cơ sở sản xuất, kinh doanh về công tác ATVSLĐ và chế độ chính sách cho người lao động.
Tuy nhiên, do quy mô doanh nghiệp trên địa bàn huyện chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, nên chưa tham gia đóng BHXH cho người lao động; thậm chí, một số doanh nghiệp tham gia BHXH nhưng vẫn còn tình trạng nợ BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động khi nghỉ hưu hoặc rủi ro tai nạn lao động. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ và đảm bảo chế độ đầy đủ cho người lao động.
Mới chỉ có 134/248 doanh nghiệp với 1.185/4.069 hợp đồng lao động tham gia BHXH. Trong số 134 doanh nghiệp tham gia BHXH có 38 doanh nghiệp nợ đóng BHXH.
Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã chỉ ra một số tồn tại trong thực tiễn liên quan đến công tác BVMT, ATVSLĐ và chế độ, chính sách cho người lao động.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Chí Công cho rằng, số doanh nghiệp đăng ký thang bảng lương, ban hành nội quy lao động, tuyên truyền và huấn luyện cũng như trang bị phương tiện bảo hộ lao động chưa nhiều; vì vậy đề nghị huyện cần quan tâm hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các yêu cầu này.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lê Hồng Vinh cho rằng, quy mô doanh nghiệp trên địa bàn huyện chủ yếu nhỏ và siêu nhỏ, nên các sai phạm về BVMT, ATVSLĐ và chế độ chính sách của người lao động chưa trở thành vấn đề lớn và nóng; tuy nhiên không vì thế mà không quan tâm, bởi có nhiều cái nhỏ tích tụ lại cũng dễ phát sinh các vấn đề lớn.
Đồng chí Lê Hồng Vinh cũng lưu ý huyện cần quan tâm đến công tác BVMT đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, bởi đây là lĩnh vực dễ phát sinh ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, huyện cũng cần rà soát các doanh nghiệp nợ lương của người lao động để có biện pháp quản lý.
Kết luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền ghi nhận sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cũng như việc thực hiện thẩm quyền quản lý Nhà nước của cấp huyện thời gian qua.
Khẳng định rõ quan điểm phát triển kinh tế đi đôi với BVMT để phát triển bền vững và công tác BVMT nếu không được quan tâm từ đầu thì việc xử lý, khắc phục sau đó sẽ rất khó khăn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền nhấn mạnh yêu cầu huyện cần tăng cường quản lý Nhà nước về BVMT trong các doanh nghiệp, trong đó cần quan tâm rà soát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa hoàn thiện các thủ tục về BVMT theo quy định của pháp luật để yêu cầu thực hiện; đồng thời nâng cao công tác thẩm định và phê duyệt xác nhận kế hoạch BVMT của các doanh nghiệp theo thẩm quyền.
Liên quan đến vấn đề ATVSLĐ và chế độ, chính sách cho người lao động, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đề nghị huyện quan tâm đến công tác kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành các quy định pháp luật về vấn đề này, gắn với xử lý và giám sát việc khắc phục các doanh nghiệp. Trong đó, cần chú trọng hơn đến môi trường làm việc của người lao động, chế độ tiền lương, chế độ BHXH và các chế độ khác, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng lưu ý huyện cần quan tâm rà soát lực lượng lao động thời vụ trong các doanh nghiệp được hợp đồng từ các đơn vị cung ứng lao động khác để đảm bảo quyền lợi của người lao động…