(Baonghean) - Nhìn chung Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này đã cụ thể hóa được các điều có liên quan trong Dự thảo Hiến pháp vừa qua, có nhiều điều mới, ý mới thể chế hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đất đai.

Thí dụ: Điều 33 và 34 đã nói rõ được vai trò của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, hệ thống từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh, cấp huyện... Đặc biệt, đã cụ thể hóa được việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội và các dự án phát triển kinh tế, xã hội phải thu hồi.

Tại Điều 52, Khoản h quy định: Đất đai được Nhà nước giao cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được thực hiện trong 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng thì phải thu hồi. Nội dung này đã có ở Điều 38, Luật Đất đai 2003 nhưng không được thực hiện, do đó đã nảy sinh ra tình trạng dự án treo có khi treo hàng chục năm không giải quyết được. Kỳ này thêm nội dung người bị thu hồi đất trong trường hợp quy định tại khoản này không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuế đất đã nộp và tài sản gắn liền với đất là hoàn toàn cần thiết. Nhân dân rất đồng tình, như vậy chủ đầu tư không thể đặt ra dự án ma, dự án treo để chiếm đất; cơ quan nhà nước có trách nhiệm cũng không thể viện lý do để không thi hành, dẹp bỏ ''lợi ích nhóm''. Nhân dân còn đề nghị nghiêm cấm việc chuyển nhượng dự án thực chất như vừa qua là bán đất. Bản dự thảo lần này cũng chú ý việc luật hóa những văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) để hiệu lực được thi hành cao hơn.

Điều 69 quy định điều kiện để được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia công cộng và phát triển kinh tế là luật hóa Điều 8, Nghị định 197/2004/NĐ-CP.

Nhân dân hoan nghênh chủ trương này vì các quy định này đã phù hợp với thực tiễn hiện nay. Nhân dân đề nghị luật cần có nghiên cứu cụ thể chi tiết hạn chế các văn bản dưới luật nên bỏ các câu: Chính phủ quy định cụ thể trong các điều luật.

Nhân dân quan tâm và lo lắng nhất là các quyết định thu hồi, quy định giá đất đền bù, tái định cư nhân dân bị thu hồi đất như vừa qua là chưa thỏa đáng.

Trong dự thảo Hiến pháp quy định đất đai là tài nguyên đặc biệt, trong luật cần cụ thể thêm đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt của nông dân, để khi thu hồi phải tính đến việc tạo cho họ một loại tư liệu sản xuất mới để họ sớm ổn định đời sống.

Định giá đất phải quan tâm đến địa tô chênh lệch tại thời điểm sẽ thu hồi.

Thí dụ: Đất để sản xuất nông nghiệp có địa tô chênh lệch thấp, giá thấp nhưng khi đã đủ điều kiện để góp phần xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị mới thì rõ ràng địa tô chênh lệch đã lên cao, giá phải lên tương ứng, tránh tình trạng khi thu hồi chỉ có giá mấy trăm ngàn đồng 1m2 đến khi bán đã lên hàng chục triệu đồng.

Luật cũng cần quy định ở cấp nào được ký quyết định thu hồi đất và thu hồi ở mức nào (diện tích?). Nhân dân hoan nghênh Điều 55 mới đặt vấn đề chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất (giá cũng phải hợp lý như trên) của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án mà Nhà nước không thực hiện quyền thu hồi đất.


Nguyễn Đình Võ (Hội KHKT lâm nghiệp)