(Baonghean) - Thể chế hoá chủ trương, chính sách đất đai của Đảng, Hiến pháp 1992 đã quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân (Điều 17), Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch và pháp luật (Điều 18) và dù còn nhiều hạn chế nhưng Luật Đất đai năm 2003, cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Luật Đất đai ra đời các năm 1993, 1998, 2001 đã cụ thể hoá thành 5 quyền: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất. Đến Luật Đất đai 2003, đã phát triển thành quyền chung của người sử dụng đất và 9 quyền gồm: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng, cho quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh, giúp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Luật Đất đai năm 2003 đã cụ thể hoá vấn đề sở hữu toàn dân là quyền về chiếm hữu, quyền về định đoạt; về quyền định đoạt, Nhà nước chỉ định đoạt về quy hoạch sử dụng đất và mục đích sử dụng đất, còn lại người sử dụng đất có tất cả các quyền đối với đất đai bao gồm từ chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, thừa kế, góp vốn, tặng cho... như vậy, sở hữu toàn dân về đất đai không phải là khái niệm chung chung trừu tượng, mà chính là đã mở rộng quyền của người sử dụng đất. Bởi trên thực tế, chẳng hạn đối với đất ở, người được giao đất hiện nay đã có hầu hết các quyền của người sở hữu đất đai, về thực chất trước pháp luật, quyền sử dụng đất đã trở thành quyền tài sản (hoặc quyền tài sản có hạn chế), các giao dịch về quyền sử dụng đất đã trở thành các giao dịch về tài sản và người được quyền sử dụng đất thực chất nghiễm nhiên là chủ sở hữu các tài sản đó...
Vấn đề rất nóng hiện nay là thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, không ít trường hợp thu hồi, đền bù không thoả đáng cho người sử dụng đất đã dẫn đến các vụ kiện kéo dài, khó giải quyết và một số nơi đang lạm dụng trong thu hồi đất làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng đất đai. Nhưng, phải khẳng dịnh dứt khoát rằng sở hữu toàn dân về đất đai không liên quan gì đến tiêu cực, tham nhũng trong thu hồi đất. Luật Đất đai 2003 quy định rõ những trường hợp nào thì thu hồi, chỉ có điều khi thực hiện luật nhiều nơi tự nhiên mở rộng quyền này. Vì vậy, vấn đề cần sửa đổi trong dự thảo Luật là cơ chế thu hồi đất (nguyên tắc, thủ tục, trình tự, giá cả đền bù như thế nào khi thu hồi đất của người sử dụng...).
Sở hữu toàn dân về đất đai không phải là nguyên nhân gây sự gia tăng khiếu kiện mà chủ yếu là do khâu hành pháp, điều hành, quản lý đất đai. Dân đi biểu tình, khiếu nại tố cáo không bao giờ nói rằng đòi xoá bỏ ngay chế độ sở hữu toàn dân và dân chỉ nêu lên những vấn đề cụ thể xuất phát từ khâu thực thi pháp luật có liên quan đến các quyền sử dụng đất đai được quy định trong luật. Dự thảo Luật Đất đai 2003 đã quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản, điều này rất có lợi cho người dân và quyền này được pháp luật bảo vệ đầy đủ.
Thiết nghĩ, tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là vấn đề quan trọng, nhất là trong Luật Đất đai và Nhà nước thay mặt nhân dân thực hiện quyền quản lý là đại diện chủ sở hữu, tức là Nhà nước nắm giữ tổng hợp tài sản, tài nguyên đất đai để tổ chức việc sử dụng đất theo quyền hạn của mình, Nhà nước quy định giao một phần quyền chiếm hữu cho người sử dụng trên những khu đất, thửa đất cụ thể với thời gian có hạn chế nhưng không vĩnh viễn; Nhà nước thực hiện quyền sở hữu đất đai về mặt kinh tế bằng cách khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, tài nguyên đất đai nhưng Nhà nước không tự mình trực tiếp sử dụng toàn bộ đất đai mà tổ chức cho toàn bộ xã hội sử dụng đất và quyền sử dụng đất được giao cho người sử dụng đất trên những thửa đất cụ thể; quyền định đoạt của Nhà nước là cơ bản và tuyệt đối, thể hiện qua các hoạt động cụ thể khi giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân
Minh Thiên (Bộ CHQS Nghệ An)