Sumo là một võ thuật độc đáo chỉ có tại Nhật Bản. Thế giới của những võ sĩ sumo thực chất thú vị hơn nhiều những gì ta tưởng tượng về một “võ đài toàn mỡ”.
 
Nguồn gốc và thế giới Sumo
 
Sumo là một môn thể thao - võ thuật truyền thống của Nhật Bản. Đặc trưng của Sumo so với nhiều môn võ thuật khác là võ sĩ Sumo có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường: đó là những người có hình dáng siêu quá khổ, núng nính mỡ và mặc chiếc khố độc quyền mỗi khi thượng đài. Tuy nhiên ít ai biết tường tận về bộ môn thể thao nhìn thì đơn giản nhưng lại cực kỳ khắc nghiệt này.
 
images1200563_1.jpgSumo đã có từ rất lâu trong văn hóa Nhật. Ảnh:Wiki.
Xuất hiện từ trước thế kỷ 16, Sumo đã trải qua nhiều biến động khắp chiều dài lịch sử của Nhật Bản. Cho đến nay, Sumo đã không còn là môn võ thuật phổ biến. Hiện trên khắp Nhật Bản có khoảng 42 lò Sumo với 660 võ sĩ. Các võ sĩ tập luyện và thi đấu ở các giải đấu được tổ chức chuyên nghiệp. 
 
Sở dĩ nói sumo là môn thể thao khắc nghiệt là vì ngoài yếu tố luyện tập, yếu tố thu nhập cũng là một điều đáng quan tâm. Cụ thể, ở giải đấu Makuuchi - giải đấu được xếp hạng cao nhất, các võ sĩ sumo có thể nhận mức lương khá cao, từ 14.000-30.000$/tháng. Võ sí sumo ở giải Jurio - giải đấu hạng 2, lương của các võ sĩ rơi vào khoảng 10.000$/tháng. Tuy nhiên, ở các giải phía dưới, những võ sĩ chỉ nhận được thu nhập bèo bọt, thậm chí có thể ví là một trời một vực so với các giải ngoại hạng. Vì lẽ đó, tôn chỉ duy nhất của những người tham gia sumo là phải trèo lên được những giải đấu cấp cao.
 
Một ngày của võ sĩ Sumo diễn ra như thế nào?
 
Các võ sĩ Sumo không ăn sáng. Ngay khi tỉnh dậy vào lúc 5h sáng, họ sẽ đi thẳng tới võ đường và bắt đầu luyện tập ngay lập tức. Quan niệm của các chuyên gia trong lĩnh vực này là: khi dạ dày trống, sự trao đổi chất diễn ra chậm hơn dẫn tới việc đốt cháy calo khó khăn hơn. Các võ sĩ Sumo phải đảm bảo mình có đủ lượng mỡ nhằm tăng trọng lượng, nhưng cũng phải đảm cơ bắp đủ săn chắc để thực hiện những thế võ độc quyền của họ.
 
Sumo có nhiều “chiêu thức” vô cùng tinh diệu. Ảnh: AAO
Không như những gì người ta hay tưởng tượng về một bộ môn “trâu bò”, khi hai “ông béo” lao vào nhau như những tảng núi và thắng bại được quyết định bởi sức mạnh, Sumo thực chất tinh tế và điêu luyện hơn rất nhiều. Cũng như những môn võ thuật khác, các bài tập của Sumo rất đa dạng, bao gồm: bộ tấn (liên quan đến trụ chân và phần thân dưới), bộ pháp (cách di chuyển và giữ thăng bằng) và cuối cùng là các chiêu thức tấn công.
 
Nói riêng về các chiêu thức tấn công, Sumo có hẳn một thuật ngữ chuyên môn dành cho những đòn thế này, là kimarite. Hiện tại có 82 đòn kimarite được Liên đoàn Sumo Nhật Bản công nhận, nhưng trên thực tế chỉ khoảng 12 đòn là hay được sử dụng. 82 đòn kimarite là các tổ hợp từ đơn giản đến phức tạp của các bộ cơ bản, bao gồm: kẹp, đẩy, tát, ném, khều chân, quật và các chiêu thức đặc biệt.
 
Khoảng 11h, các võ sĩ Sumo sẽ kết thúc phiên tập buổi sáng, và bắt đầu dùng bữa đầu tiên trong ngày. Một bữa ăn của các võ sĩ này có hàm lượng chừng 10.000 calo, gấp khoảng 10 lần một nam thanh niên khỏe mạnh (sẽ đề cập cụ thể ở phần tiếp theo). Sau khi ăn xong, các Sumo sẽ nghỉ ngơi với thời gian khá dài nhằm mục đích hấp nạp toàn bộ những gì họ đã ăn và chuyển hóa thành chất béo. 
 
Tập, ăn, ngủ, ăn - đó là 1 ngày của võ sĩ Sumo. Ảnh: Hasfit
Vào khoảng 6h chiều, các võ sĩ Sumo tiếp tục dùng bữa thứ 2 - với hàm lượng tương đương bữa thứ nhất, và là bữa cuối cùng trong ngày. Họ có thời gian sinh hoạt riêng vào buổi tối trước khi đi ngủ để tiếp tục một ngày mới với quá trình y như vậy.
 
Bữa ăn của võ sĩ Sumo khủng bố tới mức nào?
 
Đây là câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc. Với mục đích đảm bảo cân nặng và năng lượng cho các Sumo, những bữa ăn của họ rất nhiều và rất giàu calo. Mặc dù chỉ ăn hai bữa trong ngày nhưng những Sumo hấp nạp khoảng 20.000 calo/ngày, bằng 10 lần một nam thanh niên khỏe mạnh.
 
Một suất ăn của võ sĩ Sumo, gọi là chankonabe, là một món hầm gần như một nồi lẩu mini với thành phần chủ yếu là rau, đậu phụ, cá và nhiều loại thịt được nấu chung với nước dùng và rượu/bia. Món “lẩu Sumo” này nổi tiếng đến nỗi nhiều cửa hàng ở Nhật chuyên phục vụ món này cho thực khách, dĩ nhiên là có gia giảm một vài biến tấu và được tiết chế sao cho phù hợp với sức ăn của người bình thường.
 
Một nồi chankonabe thông thường. Ảnh: Sakura
Ngoài chankonabe, các võ sĩ Sumo đương nhiên cũng ăn cơm, mỳ và bánh hamburger các loại. Một cựu võ sĩ Sumo từng khẳng định rằng có những võ sĩ có thể ăn đến 5 kg thịt và 10 bát cơm một ngày. Nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn về bữa ăn của võ sĩ Sumo, hãy tham khảo  bài viết này
 
Không lạ khi với khối lượng thực phẩm đồ sộ như vậy, ngay cả chuyện ăn cũng trở thành một bài tập khắc nghiệt đối với những võ sĩ Sumo, bởi lẽ không phải ai sinh ra cũng được trời phú cho một thân hình vạm vỡ với dạ dày khủng long. Các võ sĩ Sumo trẻ thường được cho ăn theo kiểu nhồi tới mức không thể nhồi tiếp, và quá trình này được lặp đi lặp lại bất chấp “nạn nhân” nhiều phen nôn mửa rã rời. Các võ sĩ Sumo thành danh thường miêu tả quá trình tập ăn chứ không phải tập võ mới là trải nghiệm gian khổ nhất trong cuộc đời luyện tập của họ.
 
Bạn có thể ăn hết một nồi này không? Ảnh: Tofugu
Như đã nói ở trên, sau mỗi bữa ăn, các võ sĩ Sumo bắt buộc phải nghỉ ngơi để dinh dưỡng chuyển hóa thành chất béo bồi đắp cơ thể. Nghe có vẻ khá mâu thuẫn, khi họ vừa phải đảm bảo chất béo không bị đốt cháy lại vừa phải tăng cường sức mạnh cơ bắp một cách khoa học. Làm thế nào để những võ sĩ Sumo có thể cân bằng được những điều trái ngược ấy?
 
Câu trả lời được tiết lộ, đó là luyện tập. Luyện tập với cường độ cực lớn và theo nhiều cách khác nhau. Còn chính xác việc tập luyện đó bao gồm những điều gì để cân đối hấp nạp - vận động nhằm tạo ra một võ sĩ nặng vài tạ nhưng vẫn di chuyển nhanh như cắt, khi bất động thì như núi Phú Sĩ nhưng khi ra đòn thì nặng như sấm sét - đó, có lẽ là bí mật mà chỉ người trong giới biết mà thôi. 
 
Theo Depplus/MASK