Diễn viên Quốc Tuấn – người cha khiến rất nhiều người khâm phục vì nghị lực phi thường đã cùng con trai đồng hành trong cuộc hành trình chữa bệnh suốt 15 năm qua đã khóc trong cuộc gặp gỡ báo chí tại Hội Điện ảnh sáng 21/9 liên quan đến tình hình Hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hoá.
Mặc dù suốt hành trình chữa bệnh cho con, anh không mấy khi bày tỏ sự yếu lòng trước mọi người nhưng lần này là một ngoại lệ. Diễn viên Quốc Tuấn chia sẻ với VietNamNet: “Tôi khóc vì bất lực trước một điều mình không thể nghĩ là có thể xảy ra được. Thực sự hôm nay là bất lực và uất ức khi mình bị xúc phạm, bị chà đạp bởi 1 nhóm người – tôi có thể nói là họ không có lương tâm với nghệ sĩ. Những người đó cũng xem tác phẩm của chúng tôi và tỏ vẻ tâm đắc nhưng sau đó họ chà đạp những tác phẩm ấy. Đó là điều chúng tôi không thể chấp nhận được và đau xót vô cùng”.
Diễn viên Quốc Tuấn chia sẻ, từ khi cổ phần hoá hãng phim, các nghệ sĩ không được làm phim, bị buộc đi ở cổng sau của Hãng thay vì cổng chính họ đã đi gần 60 năm qua. Thêm vào đó nhiều phòng ban bị sáp nhập lại để lấy mặt bằng cho thuê. Nhiều nghệ sĩ không được trả lương hoặc chỉ nhận mức lương bèo bọt. Diễn viên ‘Người thổi tù và hàng tổng’ cũng tuyên bố từ hôm nay anh sẽ từ chối nhận lương 540.000 đồng/tháng mà Hãng đang trả cho anh. Bởi từ lâu các nghệ sĩ như anh chưa từng sống bằng đồng lương của Hãng và không vì bị đối xử tệ hại như vậy mà bỏ Hãng.
Suốt những ngày qua, câu chuyện sau cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều nghệ sĩ, trong đó có diễn viên Quốc Tuấn không thể ký vào lá đơn kêu cứu gửi lên Hội điện ảnh hôm 9/9 mà còn tham gia nhiều cuộc gặp để nêu ý kiến về vụ việc.
Trong cuộc gặp gỡ tại Hội điện ảnh sáng 21/9, ngoài Quốc Tuấn còn có rất nhiều gương mặt nổi tiếng một thời như diễn viên Đức Lưu (vai Thị Nở), diễn viên Thanh Tú (Sao Tháng 8), đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, nhà biên kịch Hồng Ngát, Lê Phương, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, Lý Thái Dũng….
Cũng như diễn viên Quốc Tuấn, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng đã bật khóc khi nói lên tình hình của Hãng phim mà cha anh – cố NSND Hải Ninh từng làm giám đốc 1 thời. “Lãnh đạo mới của Hãng có trả lời báo chí rằng Hãng có hơn 80 người mà chỉ có 20 người làm việc. Xin thưa 20 người được cho là làm việc là thuộc tổ bảo vệ, thành viên hội đồng quản trị, phòng hành chính, phòng tài vụ… những người đến Hãng thường xuyên. Còn chúng tôi, những người làm phim, không đến Hãng thì bị coi là không làm việc”.
Trước vấn đề này, nhà văn Chu Lai cho rằng không thể đánh đồng lao động chân tay với lao động trí óc của các nghệ sĩ. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát – PCT Hội Điện ảnh – nguyên GĐ Hãng phim truyện Việt Nam – người nhiều ngày qua lên tiếng mạnh về tình hình Hãng phim truyện Việt Nam trên báo chí lẫn mạng xã hội xúc động chia sẻ:
“Chúng ta đang đứng trước nguy cơ Hãng phim truyện Việt Nam trở thành con số 0 và bị xoá sổ. Ngày 18/9 Hội đã gửi công văn về việc kiến nghị giải quyết đơn kêu cứu của cán bộ, nghệ sĩ Hãng phim truyện VN tới các cấp lãnh đạo và công văn này đã có mặt trên bàn Phó Thủ tướng (PTT) Vũ Đức Đam. Đó là lý do PTT đã đến thị sát Hãng phim ngày 20/9. Cuộc gặp giữa PTT với Hãng phim truyện Việt Nam cũng đã rời từ ngày 19/9 sang chiều 21/9. Chúng tôi cũng sẽ tham gia và góp ý kiến của mình”.
Ông Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam kiến nghị cần xem xét lại quá trình cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam, thậm chí tìm nhà đầu tư mới cho Hãng. Ông Hải cũng nêu, riêng mảnh đất thuộc Hãng phim truyện Việt Nam là nhà thuỷ phi cơ rộng hơn 90m2 đã có sổ đỏ thì không thể định giá Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0.
Thậm chí trong cuộc gặp gỡ sáng 21/9, một số nghệ sĩ còn nêu ý kiến trả lại số tiền hơn 30 tỷ đồng mà Công ty vận tải thuỷ đã bỏ ra để trở thành cổ đông chiến lược và giành quyền lãnh đạo Hãng phim truyện Việt Nam.
Thông qua video, một số nghệ sĩ gạo cội như NSND Trà Giang, Thế Anh, Minh Đức… từ TP.HCM cũng bày tỏ niềm đau xót trước thực trạng của Hãng phim truyện Việt Nam. NSND Trà Giang cũng đã bật khóc khi nói đến Hãng phim đã làm nên tên tuổi của bà cũng như nền điện ảnh Việt Nam một thời như Chị Tư Hậu, Em bé Hà Nội…
Đặc biệt, tại cuộc gặp này, một file ghi âm các cuộc trao đổi với các nghệ sĩ và lãnh đạo Hãng cũng đã được công bố. Trong đó đáng chú ý có chia sẻ của ông Nguyễn Danh Thắng – PTGĐ Công ty vận tải thuỷ khi nói với nghệ sĩ rằng lãnh đạo Hãng sẽ tạo điều kiện và cơ chế để các nghệ sĩ bán phở, tự tạo thu nhập cho mình!?
Kết thúc cuộc họp, nhiều nghệ sĩ cũng đã đồng loạt lên tiếng kiến nghị xem xét lại cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam và trả lại môi trường làm phim cho các nghệ sĩ.
Theo VNN