Thực hiện Chương trình 135 CP giai đoạn II, Môn Sơn được đầu tư gần 7,5 tỷ đồng để phát triển các hợp phần như: xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ về sản xuất nông nghiệp, giống cây trồng; tăng cường năng lực cho cán bộ xã... đã đem lại diện mạo mới cho Môn Sơn.
Khi Môn Sơn được đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh mương hai bản Thái Sơn và Nam Sơn đảm bảo tưới tiêu cho diện tích sản xuất. Đồng bào tiến hành thâm canh, tăng vụ, mở rộng diện tích cây trồng. Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực qui thóc năm 2010 đạt 4.021 tấn, người dân Môn Sơn không còn lâm vào cảnh đói kém vào cữ giáp hạt nữa.
Với hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân dân trong xã được cấp giống lúa, ngô, vật nuôi có chất lượng; được hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng trại, tập huấn khoa học kỹ thuật... đã làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Hệ thống kênh mương xã Môn Sơn (Con Cuông) được xây dựng kiên cố.
Chị La Thị Nguyệt (Dân tộc Đan Lai, bản Cửa Rào) cho biết: "Trước đây, người dân Đan Lai đâu biết cấy lúa nước, không biết nuôi lợn, nuôi bò nhốt, mà chỉ biết bắt cá dưới sông, săn thú trên rừng, ăn rau rừng, thường xuyên thiếu đói.
Nay, được Nhà nước mua bò, lợn, cấp giống lúa, giống ngô, được tập huấn KHKT nên bà con dân bản đã biết sản xuất, chăn nuôi, cuộc sống đã dần no ấm..."
Đến hết năm 2010, toàn xã có 4/6 trường học được công nhận trường chuẩn quốc gia với tổng số học sinh trên 2.100 em, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần, học sinh khá giỏi tăng nhanh. Đặc biệt, những năm gần đây, đồng bào Đan Lai đã có người học đến CĐ, Trung cấp. Trạm xá 6 phòng chức năng được xây dựng với số vốn 1,12 tỷ đồng trang thiết bị đồng bộ tạo điều kiện cho đồng bào được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, giảm dịch bệnh, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng... Điện lưới được kéo về tận các gia đình, đường giao thông liên thôn được đổ cấp phối... thực sự mang lại văn minh cho đồng bào nơi đây.