Theo chị Vân, chủ trang trại cho biết: Từ ngày 26 - 28/7, đàn vịt 12 ngày tuổi của gia đình vẫn bình thường, nhưng sau đó chết rất nhanh. Chỉ 2 ngày đã chết tới 90 con. Chị đã báo với Ban Thú y xã, được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và kết quả dương tính với H5N6.
Ngày 30/7, Trạm Thú y Diễn Châu đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ tổng đàn 2.460 con, đồng thời tiến hành xử lý khử trùng, tiêu độc, lập chốt chặn không cho gia cầm lưu thông trong vùng có dịch. "Thấy vịt ăn bình thường nhưng ăn xong là giãy chết. Tôi đã đăng ký vắc xin, nhưng chưa đến ngày nên chưa tiêm, giờ bị dịch mất trắng cả đàn" - chị Vân cho hay.
Sau khi tiêu hủy đàn vịt, chị Vân rắc vôi bột khử trùng chuồng trại. Ảnh: Mai Giang Cùng với việc thực hiện các biện pháp chống dịch tại điểm phát dịch, các cơ quan chức năng đã thông báo đến người dân về tình hình dịch bệnh và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời ký cam kết với các hộ dân không giết thịt, không bán chạy; cách ly gia cầm ốm, không vứt xác bừa bãi; thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại theo hướng dẫn của Trạm Chăn nuôi và Thú y.
Tuy cách xa trang trại có vịt bị bệnh nhưng ngay khi dịch bùng phát, ông Nguyễn Ngọc Luyên ở xóm 2 đã đăng ký mua thuốc và được cán bộ thú y về tận nơi tiêm phòng bệnh cho tổng đàn vịt. Ông Luyên cho biết, tuy gia đình không nằm trong vùng dịch, nhưng được giúp đỡ về khâu tiêm phòng nên đàn vịt chưa tới một tháng nữa là đẻ vẫn tiến hành tiêm phòng.
Ông Nguyễn Ngọc Luyên phun hóa chất khử trùng tiêu độc toàn trang trại. Ảnh: Mai Giang Diễn Liên là vùng chăn nuôi vịt lớn nhất ở Diễn Châu, với 20 hộ trang trại chăn nuôi, quy mô hàng nghìn con trở lên. Với tinh thần chống dịch khẩn trương cùng với tiêu hủy đàn vịt bị bệnh, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã phun khử trùng tiêu độc tại vùng dịch. Ngày 1/8 đã cấp về 24.000 liều vắc xin H5N1 tiêm phòng cho đàn gia cầm trên địa bàn xã.
Chị Chu Thị Ngọc Dung - cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y Diễn Châu cho biết: Ngoài việc gửi công văn đến các địa phương khẩn trương chống dịch, thông báo đến các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đăng ký mua vắc xin tiêm và phun khử trùng tiêu độc, chúng tôi khuyến cáo các gia đình không đưa gia cầm về tái đàn dịp này.
Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y tiêm phòng đàn gia cầm cho 20 trang trại chăn nuôi của Diễn Liên. Ảnh: Mai Giang Đây là ổ dịch thứ 2 bùng phát tại địa bàn Diễn Liên từ đầu năm 2018 đến nay. Vào tháng 1/2018, Diễn Liên đã bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1, phải tiêu hủy 765 con gà. Hiện nay thời tiết mưa nắng thất thường, môi trường ô nhiễm nên rất dễ bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, việc tiêm phòng được cho là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh cho đàn vật nuôi.