(Baonghean.vn) - Đang vào vụ cá nam, bà con ngư dân tập trung đi biển khai thác hải sản. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết diễn biến bất thường dễ gây nguy cơ mất an toàn đến tính mạng và tài sản của người dân. Mỗi năm vùng biển Cửa Lò đón nhận nhiều cơn bão lớn, hàng chục trận lốc xoáy bất ngờ. Vì vậy, nhiệm vụ phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn luôn được cán bộ, chiến sĩ đơn vị Hải đội 2 (BĐ Biên phòng Nghệ An) đặt trong trạng thái sẵn sàng.
 
Tiếp chúng tôi là Trung tá Phan Văn Xuân, Hải đội trưởng dạn dày kinh nghiệm biển cả. Anh đã có hơn chục năm gắn bó với đơn vị từ vị trí thuyền trưởng, hải đội phó rồi hải đội trưởng. Không thể nhớ hết bao nhiêu lần đã ra khơi nên anh nắm rất rõ từng luồng, lạch, nước lên, nước xuống, bãi đá ngầm. Anh kể chúng tôi nghe kỷ niệm về một chuyến ra biển cứu nạn: Đó là vào chiều ngày 23/6/2011 khi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đang chuẩn bị bữa cơm chiều thì nhận được tin, gần khu vực hòn Nồm (Hà Tĩnh) có tàu của ngư dân gặp lốc, hỏng máy, sắp chìm. Lập tức, kíp trực hôm đó không kịp ăn cơm, lao ngay xuống 2 tàu có số hiệu BP 06-12-01 và BP 06-13-01, nổ máy, thẳng tiến vị trí con tàu gặp nạn. Khi màn đêm ập xuống, người dân khu vực Cửa Hội cùng cán bộ chiến sỹ thấy đôi tàu của Hải đội 2 trở về cùng ông Lê Văn Tám (SN 1970 quê quán xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu chủ tàu NA - 92037 - TS gặp nạn) và 7 ngư dân khuôn mặt vừa thoát nạn vẫn còn vương nét hãi hùng. 
 
 776086_small_74841.jpg

              5 ngư dân quê Nam Định được CBCS Hải đội  2 BP Nghệ An cứu sống.

Cao điểm trong mùa mưa bão, có những ngày đơn vị xuất kích 3 - 4 lần. Trong nhật ký hàng hải đơn vị còn ghi: Rạng sáng ngày 5/10/ 2010 tại tọa độ 190 07’ 00” N; 1060 00’ 00” E cách bờ khoảng 35 hải lý theo hướng Đông - Đông - Bắc tàu đánh cá biển kiểm soát: NĐ - 3356 - TS của ngư dân Nam Định bị hỏng máy mất khả năng điều khiển và có nguy cơ bị sóng đánh chìm. Nhận được tin báo, Ban chỉ huy Hải đội 2 đã điều động tàu BP 06-13-01 do Thiếu tá Thái Văn Hà - Phó hải đội trưởng trực tiếp chỉ huy cùng 15 CBCS khẩn trương xuất bến. Vượt qua sóng gió đến 20 giờ 30’ cùng ngày đã tiếp cận được tàu: NĐ - 3356 - TS do anh Kim Văn Chiến (xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) làm thuyền trưởng cùng 4 thuyền viên về cảng đơn vị an toàn.

Cùng ngày, vào lúc 15h10 phút tại tọa độ 180 49.00 N; 1060 22.00 E cách bờ khoảng 45 hải lý theo hướng Đông. Tàu đánh cá biển kiểm soát: NA - 5060 - TS của ngư dân xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu bị lưới quấn chân vịt, vỡ hộp số, nước vào khoang máy mất khả năng điều khiển và có nguy cơ bị sóng đánh chìm, nguy hiểm đến tính mạng thuyền viên. Đơn vị đã điều động tàu BP 06-12-01 do Đại úy Hồ Sỹ Linh - Thuyền trưởng chỉ huy và 15 CBCS vượt qua sóng lớn đến 10 giờ 00 ngày 6/11/2010 đã cứu được tàu đánh cá NA - 5060 - TS do ông Lê Văn Nghĩa (ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm thuyền trưởng cùng 9 thuyền viên đưa vào cảng đơn vị an toàn.
 
Thuyền trưởng Kim Văn Chiến kể lại: “tàu xuất phát đi đánh cá từ Nam Định ngày 26/9, đang chuẩn bị vào bờ thì gặp không khí lạnh tăng cường, sóng to, gió lớn và xẩy ra sự cố hỏng máy. Mặc dù đã phát tín hiệu kêu cứu nhưng do thời tiết quá xấu nên tín hiệu không đến được các lực lượng chức năng để cứu hộ. Sau gần 5 ngày lênh đênh trên biển, tàu trôi dạt đến gần đảo Mắt, được lực lượng Hải đội 2 Biên phòng Nghệ An cứu, chúng tôi từ cõi chết trở về”.
 
Hải đội trưởng Xuân tâm sự: Anh và đa số cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 cùng quê xứ Nghệ, nên những trận bão đổ bộ vào vùng quê này, gia đình họ đều nằm trong diện nguy hiểm. Nhưng đã mang trong mình nghiệp “lính thủy” biên phòng, họ luôn vì nhiệm vụ của đơn vị, vì nhân dân, sẵn sàng lên tàu ra biển. Không hiếm lần trong những cơn bão lũ, cán bộ đơn vị liên tục nhận được điện thoại của vợ con ở quê báo nhà đã tốc mái hay bị ngập lụt... Lúc ấy, anh em chỉ còn biết động viên người thân cố gắng khắc phục. Trong mùa mưa bão, gần như cán bộ, chiến sĩ đơn vị cũng canh cánh nỗi lo gia đình riêng, nhưng vì nhiệm vụ, họ không có thời gian để thực hiện “nghĩa vụ” đối với gia đình. “Chúng tôi cứ có lệnh là sẵn sàng ra biển dù có hiểm nguy. Khi cứu được các thuyền viên gặp nạn vào bờ đơn vị còn cử quân y khám, chăm sóc sức khỏe, anh em nhường nơi ăn, chốn nghỉ chờ hồi phụ sức khỏe, liên lạc để người thân đón họ về”.
 
Từ năm 2011 đến nay, đơn vị đã tổ chức 2 đợt/ 4 lượt bắn pháo hiệu kêu gọi hàng trăm tàu thuyền về nơi tránh trú bão đảm bảo an toàn. Khi nhận được tin cấp báo cứu hộ cứu nạn đơn vị đã khẩn trương cử lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên biển. Những chuyến ra khơi đó đã cứu được 7 tàu /30 người bị nạn trên biển có nguy cơ bị sóng đánh chìm và đưa về cảng đơn vị an toàn. Bên cạnh đó, đơn vị còn hiệp đồng phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các lực lượng như: Trung tâm cứu hộ cứu nạn thị xã Cửa Lò, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Cảnh sát giao thông thủy nội địa, Đồn BPCK cảng Cửa Lò – Bến Thủy, Hải đội 137 Hải quân, Cảnh sát biển, Đảo Mắt, Đảo Ngư vừa tiến hành làm tốt công tác tuyên truyền đảm bảo tốt an toàn hàng hải và khi có vụ việc xảy ra thì đều được phát hiện và ứng cứu kịp thời giảm thiểu đến mức thấp nhất về tài sản và sinh mạng.
 
Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ các tàu thuyền khai thác thủy sản trong tỉnh đã có hơn 4.477 phư­ơng tiện với 22.944 lao động (các tàu thuyền ngoài tỉnh không thể thống kê được). Trong năm 2011 và những tháng 2012 đã có 29 vụ tai nạn xảy ra trên biển làm chìm 10 phương tiện, cháy 2 phương tiện, hư hỏng 18 phương tiện, làm chết 37 người, bị thương 43 người. Điều đó chứng minh những phương tiện khi hoạt động trên biển phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, trong đó bão, tố là “thủ phạm” hàng đầu.
 
Những ngày này, cán bộ chiến sỹ đang ra sức luyện tập để thành thục các phương án cứu hộ cứu nạn. Từng con tàu, các bộ phận chuẩn bị sẵn sàng nước ngọt, lương thực, thực phẩm, nhiên liệu... để khi có lệnh là vượt sóng ra khơi được ngay. Các anh đang là “điểm tựa” vững chắc của tàu thuyền và thủy thủ nơi biển cả.


Hùng Phong