(Baonghean) - Với 11/21 xã, thị trấn nằm dọc theo 92km đường biên tiếp giáp với địa bàn 3 tỉnh (Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bô Li Khăm Xay) của nước bạn Lào, huyện Kỳ Sơn xác định  giữ vững chủ quyền và an ninh biên giới là nhiệm vụ trọng tâm trong mọi thời điểm. Vì thế, nâng cao ý thức chấp hành Luật Biên giới quốc gia và góp phần bảo vệ an ninh biên giới cho đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn luôn được huyện thường xuyên chăm lo.

Bản Mông Huồi Pốc nằm gần biên giới Việt - Lào, cuộc sống của đồng bào nơi đây gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao (trên 80%). Những năm trước, Huồi Pốc được xem là một trong những “điểm nóng” về tình trạng di dịch cư trái phép, buôn bán ma túy và truyền đạo trái pháp luật. Chúng tôi tìm đến nhà ông Lầu Chứ Và - người từng di cư trái phép sang Lào trở về, rất tiếc ông Và đang đi rẫy. Hỏi chuyện tình hình an ninh trật tự, Trưởng bản Lầu Xìa Nênh cho hay: “Bây giờ không ai có ý định di cư sang Lào nữa đâu. Vì công tác tuyên truyền đã được cán bộ xã, Đồn biên phòng đặc biệt quan tâm. Sang bên đó chỉ đi làm thuê, bị người dân xem thường, cuộc sống vất vả vì nay đây mai đó. Về bản mình, chịu khó trồng lúa, nuôi trâu bò sẽ đủ cái ăn thôi”. 

images860187_4.jpgCán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 hướng dẫn kỹ thuật trồng dong riềng cho đồng bào Mông xã Na Ngoi (Kỳ Sơn). Ảnh: Trần Hải
Là xã vùng biên, lại có cửa khẩu quốc tế và hàng chục tuyến đường tiểu ngạch nên thời gian qua tình hình an ninh trật tự ở Nậm Cắn nổi cộm vấn đề buôn bán và sử dụng ma túy, vận chuyển hàng lậu và di dịch cư tự do. Điều đó đặt ra yêu cầu cho chính quyền địa phương và BCH Đồn biên phòng Cửa khẩu Nậm Cắn đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và nâng cao ý thức giữ gìn an ninh biên giới cho bà con nhân dân.
 
Với vai trò tiên phong, trong vòng 1 năm qua, Đồn biên phòng Cửa khẩu Nậm Cắn đã trực tiếp bắt 8 vụ/10 đối tượng, thu 0,96 gam hê-rô-in và 484 viên ma túy tổng hợp. Điển hình như vụ phối hợp với Công an tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và Phòng phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng Nghệ An bắt giữ 3 đối tượng người Lào, thu 15 bánh hê-rô-in. Phối hợp với Công an huyện Kỳ Sơn bắt 2 vụ/2 đối tượng, thu giữ 0,1gam hê-rô-in và 84 viên ma túy tổng hợp. Phối hợp với Phòng phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Đồn biên phòng Ngọc Lâm (Thanh Chương) bắt 3 đối tượng buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc, giải cứu cho 2 nạn nhân trở về với gia đình.
 
Điều đáng nói, hầu hết các vụ việc Đồn biên phòng Cửa khẩu Nậm Cắn tham gia phá án đều xuất phát từ nguồn tin của quần chúng nhân dân. Người dân Nậm Cắn đã có ý thức tố giác tội phạm, cung cấp những thông tin quan trọng, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới. Có được điều này là do cán bộ, chiến sỹ luôn bám sát dân để nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con, để bà con chia sẻ những thông tin diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Đồn đã bố trí các tổ đội công tác về tận bản thực hiện chủ trương “3 cùng” với nhân dân, nên được bà con tin yêu, kính trọng.
 
Ý thức trách nhiệm và tình cảm của bán bộ, chiến sỹ biên phòng giờ đây đã thực sự bén rễ trong nhân dân. Khi thấy người lạ xuất hiện trên địa bàn với những biểu hiện nghi vấn, người dân bản Tiền Tiêu lập tức báo cáo với BCH Đồn biên phòng. Không chỉ cung cấp những thông tin, bà con còn tham gia vận động, tuyên truyền và phổ biến pháp luật, góp phần giữ yên biên giới. Từ đó, xuất hiện những tấm gương điển hình, có uy tín lớn trong các bản làng vùng biên. Có thể kể đến như ông Hờ Chia Và (61 tuổi), nguyên xã đội trưởng xã Nậm Cắn, Bí thư chi bộ bản, nay được bầu làm già làng kiêm công tác mặt trận bản Tiền Tiêu. Trò chuyện, ông Và bày tỏ niềm phấn khởi trước những khởi sắc của bản làng, quê hương và tình đoàn kết gắn bó giữa nhân dân 2 nước Việt-Lào.
 
Tuy vậy, ông vẫn luôn băn khoăn, trăn trở vì trên địa bàn vẫn còn tình trạng buôn bán và sử dụng chất ma túy. Về nghỉ hưu, việc làm thường xuyên của ông Hờ Chia Và là vận động bà con dân bản không di cư sang Lào, không vướng vào tệ nạn xã hội, giữ vững tình đoàn kết họ hàng, làng bản và dân tộc. Ông tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để tuyên truyền về cái đúng, cái sai và khi có mâu thuẫn, bất đồng, ông có mặt kịp thời để hòa giải. Vị già làng bản Tiền Tiêu chia sẻ: “Trước đây, bà con bản ta hay di cư sang Lào, bây giờ không còn tình trạng này nữa. Vì họ đã biết rõ âm mưu chia rẽ của kẻ xấu, những lời dụ dỗ của chúng không phải là sự thật. Bây giờ bà con đã hiểu đây mới chính là quê hương mình, đất nước mình, muốn có cuộc sống ấm no phải cần cù lao động. Muốn làm được điều đó phải phát huy tốt vai trò của người đứng đầu dòng họ. Như dòng họ Hờ của ta đã sinh sống ở đây được 8 đời, từ trước đến nay chưa có ai di cư trái phép sang Lào”. 
 
Một trong những sáng tạo trong công tác tuyên truyền của Đồn biên phòng Cửa khẩu Nậm Cắn là triển khai thực hiện Bản tin vùng biên trên hệ thống loa truyền thanh của các bản. Mục đích của việc xây dựng bản tin là tuyên truyền về Luật Biên giới quốc gia và các văn bản liên quan về biên giới cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Xác định trình độ nhận thức của bà con nơi đây còn hạn chế nên phương châm thực hiện Bản tin vùng biên “ngắn gọn, dễ hiểu, cụ thể, tỏ tường, bám sát chủ trương, mưa dầm thấm mãi”.
 
Bản tin được phát bằng tiếng phổ thông và tiếng Mông, tiếng Khơ mú. Nội dung  do BCH Đồn soạn thảo, mỗi bản tin được phát nhiều lần trong vòng một tuần. Anh em cán bộ, chiến sỹ của Đồn chủ trương phát liên tục vào các ngày 14 và 28 hàng tháng, trước ngày diễn ra phiên chợ Hữu nghị Việt- Lào. Bởi dịp này lưu lượng người dân qua Cửa khẩu mua bán, trao đổi hàng hóa rất lớn, hiệu quả của việc tuyên truyền vì thế được tăng lên. Nhờ thực hiện đúng phương châm nên Bản tin vùng biên  phát huy hiệu quả rõ rệt. So với các năm trước, trong năm 2013, hiện tượng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết được giảm xuống đáng kể. Từ đầu năm đến nay, chỉ có 3 hộ (14 khẩu) trên địa bàn di cư trái phép sang Lào. Qua bản tin, người dân Nậm Cắn đã biết rõ thủ đoạn của những kẻ tuyển dụng lao động trái pháp luật, cung cấp thông tin cho công an xã giải cứu thành công 7 công dân xã Hữu Kiệm bị lừa sang lao động ở Lào. 
 
Nằm cách trung tâm huyện 50km, có 8km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào, xã Na Loi được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và giữ gìn an ninh biên giới. CLB Thanh niên xung kích giữ yên biên giới của xã hoạt động thực sự có hiệu quả, đem lại niềm tin cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân vùng biên. Nhiệm vụ của CLB là tuyên truyền và phổ biến pháp luật (Luật Cư trú, Luật Biên giới quốc gia, Luật Phòng chống ma túy...) cho bà con nhân dân. Hàng tháng, CLB tổ chức sinh hoạt và xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho bà con các bản trên địa bàn xã.
 
Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng lên. Bà con tích cực tham gia phát quang đường biên, báo cáo những dấu hiệu bất thường ở mốc giới, phát hiện và tố giác các loại tội phạm như buôn bán ma túy, tuyển dụng lao động trái pháp luật... Không chỉ riêng xã Na Loi mà toàn bộ 11 xã vùng biên của huyện Kỳ Sơn đều đã thành lập CLB Thanh niên xung kích giữ yên biên giới, góp phần cùng các lực lượng chức năng trên địa bàn bảo vệ chủ quyền và giữ vững an ninh.
 
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Đại- Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cho biết: “Muốn làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới, không thể không dựa vào sức mạnh của nhân dân. Để giữ yên địa bàn, phải giữ yên lòng dân, chọn lòng dân làm “điểm tựa” cho mọi nhiệm vụ”. Trên rẻo cao biên giới Kỳ Sơn, không chỉ cán bộ, chiến sỹ các Đồn biên phòng mà các lực lượng khác như Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 4 và các Tổng đội TNXP cũng đang ngày đêm dựa vào lòng dân làm “điểm tựa” để  hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
 
 
Công Kiên