(Baonghean) - Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Dương Hải An - một người con quê hương Nghệ An, hiện là Tổng giám đốc Công ty Volga - Việt, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Volgagrad, người luôn hết mình giúp đỡ bà con Việt kiều yên tâm ổn định cuộc sống...
Phóng viên: Là người sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, lập nghiệp và xây dựng một Tổng công ty hàng đầu của người Việt tại tỉnh Volgagrad, ông cho biết cơ duyên nào đã đưa ông đến với nước Nga và tạo dựng nên cơ nghiệp ấy?
Ông Dương Hải An:Tôi sinh năm 1961, tại xã Yên Sơn (Đô Lương). Lớn lên, nhập ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Chiến tranh biên giới kết thúc, tôi sang nước Nga theo diện hợp tác lao động của quân đội vào năm 1988, với thời hạn 5 năm. Năm 1992, khi hết hạn nghĩa vụ lao động cũng là lúc nước Nga đang trong thời kỳ khó khăn. Một số nhà máy không có khả năng mua vé cho công nhân Việt Nam về nước và một số người đã phải ở lại, tôi nằm trong diện này. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta, qua con đường ngoại giao, chính quyền phía bạn đã tạo điều kiện để chúng tôi ở lại làm ăn hợp pháp.
Tổng Công ty Volga - Việt ở vùng Volgagrad – bờ Đông sông Volga – do tôi đứng ra làm trụ cột hợp tác, cùng với một số anh em ở Hải Phòng, Vĩnh Phú, Hà Tĩnh... Chúng tôi thành lập và xây dựng công ty, làm cơ sở để tạo quyền lao động hợp pháp cho người Việt Nam, làm điểm tựa, cầu nối để cung cấp giấy tờ kinh doanh thương mại hợp pháp cho cộng đồng người Việt. Công ty đứng ra thuê khu thương mại, xây dựng các ki-ốt cho các bà con lấy hàng về buôn bán. Khi đã ổn định, chúng tôi phát triển sản xuất các mặt hàng khác như: may mặc, thu gom phế liệu, nhựa tái chế, nông nghiệp.
Thời kỳ đầu, chúng tôi có gần 500 ki-ốt, khi kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, còn khoảng 300 ki-ốt. Bên cạnh đó, chúng tôi xây dựng 3 ký túc xá. Mỗi ký túc xá có khoảng 40 phòng làm nơi sinh sống tập trung cho bà con người Việt với mục đích giúp họ “an cư”. Sau này, chúng tôi mở hướng sản xuất nông nghiệp để đưa thêm bà con ở Việt Nam sang lao động. Sự thành công của Tổng Công ty Volga – Việt có nhiều yếu tố, trong đó có sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng người Việt, nhất là bà con quê hương Nghệ Tĩnh. Hiện Tổng Công ty Volga - Việt có khoảng 500 lao động, người Việt chiếm khoảng 400, trong đó gần 50 người Nghệ An.
Phóng viên:Ông có thể cho biết một số thuận lợi và khó khăn của người lao động Việt Nam tại Nga hiện nay, cũng như của Tổng Công ty Volga – Việt mà ông làm Tổng giám đốc?
Ông Dương Hải An:Trước năm 2000, lao động Việt Nam sang Nga khá đông, có thể gọi là ồ ạt. Từ sau năm 2000, ở tỉnh Volgagrad cộng đồng người Việt có khoảng 1000 người thì người Nghệ Tĩnh chiếm khoảng một nửa. Giai đoạn này chính quyền Nga siết chặt thủ tục nhập cư và các hoạt động của người nhập cư tại nước Nga. Rất nhiều người Việt do không có giấy tờ, đi theo con đường bất hợp pháp đã phải trở về nước.
Thời gian gần đây, khi xảy ra các vấn đề xung đột lớn mà Nga có liên quan, nhất là từ sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga, Mỹ và các nước phương Tây bao vây cấm vận kinh tế Nga, thì đời sống cộng đồng người Việt gặp không ít khó khăn. Cùng với đó, đồng rúp mất giá, trước đây 30 rúp đổi được 1 USD, thì nay giá chợ đen 44 rúp mới đổi được 1 USD. Lao động Việt tại các cơ sở của Nga được trả lương bằng đồng rúp, khi gửi tiền về nước thì chủ yếu lại chuyển đổi ra USD nên rất thiệt.
Với Tổng Công ty Volga – Việt thì khác. Tổng Công ty chúng tôi ngoài thương mại, dịch vụ, còn có mảng lớn là hoạt động sản xuất nông nghiệp. Về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Nga luôn khuyến khích và tạo điều kiện, thuế đất nông nghiệp gần như bằng không. Tổng Công ty Volga – Việt mua hẳn 200 ha đất ở Volgagrad, trên diện tích đó chúng tôi sản xuất các sản phẩm rau sạch: khoảng 10 ha cà chua phủ ni lông trong nhà, 10 ha cà chua ở ngoài trời, 20 ha cà rốt, nhiều diện tích trồng bắp cải, ớt, hành... sản xuất theo hợp đồng với đơn đặt hàng của các siêu thị. Hơn thế, trong hoàn cảnh thực hiện chính sách đối đầu về kinh tế hiện nay, Nga cấm nhập khẩu một số mặt hàng từ Mỹ và phương Tây nên công ty chúng tôi nhận thêm được nhiều đơn đặt hàng mới. Vì thế, đời sống lao động người Việt trong doanh nghiệp của chúng tôi được đảm bảo, với thu nhập trên dưới 1000 USD/tháng/người.
Phóng viên:Cảm nhận của ông về sự gắn bó của cộng đồng người Việt với nhân dân và chính quyền sở tại, cộng đồng người Việt ở Nga với quê hương?
Ông Dương Hải An:Theo tôi, sự gắn bó của cộng đồng người Việt và nhân dân, chính quyền bản xứ rất tốt. Ngoài khoảng 1.000 bà con lao động, tại Volgagrad còn có lượng lớn du học sinh, sinh viên học tập nên chúng tôi thường xuyên tổ chức giao lưu gặp gỡ với nhân dân Nga. Người Việt ở Nga luôn chung sống hòa thuận. Tất cả các đoàn tham quan, công tác của Việt Nam sang Nga đều được người Nga đón tiếp nồng hậu. Tại Volgograd, có khoảng 40-50 người Việt lấy chồng, vợ người Nga. Tại đây đã hình thành thế hệ người Việt thứ hai khá ổn định và phát triển. Đã có các thành viên thế hệ thứ hai mang hai dòng máu Việt – Nga... Đất nước Nga thực sự là quê hương thứ hai của chúng tôi.
Ở nước Nga xa xôi, cộng đồng người Việt luôn hướng về quê hương và luôn cố gắng để có nhiều hoạt động thiết thực: thăm tặng quà đồng bào lũ lụt; hỗ trợ giúp đỡ người nghèo và các hoạt động khác. Điều kiện thông tin thuận lợi, qua các cơ quan báo chí, như Báo Nghệ An điện tử, chúng tôi luôn theo dõi, nắm bắt thông tin, phấn khởi trước những đổi thay tích cực của quê hương.
Khi đã thành đạt ở Liên bang Nga, các doanh nghiệp người Việt nói chung và người Nghệ An nói riêng vẫn luôn mong muốn được đóng góp cho quê hương. Theo tôi nghĩ, nếu có chính sách thuận lợi, phù hợp, thì cơ hội để các doanh nghiệp Nga trở về quê hương đầu tư là rất lớn, và chúng tôi luôn sẵn sàng làm cầu nối vì sự phát triển của quê hương.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Ngô Kiên (Thực hiện)