Ở huyện Anh Sơn, xã Tường Sơn là địa phương đi đầu trong việc làm sạch từ trong nhà ra đến đường làng, đồng ruộng.
Bà Trần Thị Hương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tường Sơn cho biết: “Thực tế thì trước đây, người dân xã Tường Sơn chỉ chú trọng vệ sinh trong khuôn viên nhà ở và vườn tược của mình. Những năm gần đây, bà con đã thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường cộng đồng, chú trọng làm sạch đường sá, đồng ruộng.
Bắt đầu từ cuối năm 2018, Hội Nông dân xã phối hợp cùng hội phụ nữ xã triển khai cho các hội viên xây dựng hố rác gia đình. Cán bộ từ xã đến thôn nắm bắt hoàn cảnh từng hộ để có cách giúp đỡ phù hợp. Nếu hộ nào khó khăn, đều được hỗ trợ. Đến nay, gần 100% hộ dân trong toàn xã đều có hố rác tại gia đình, đặc biệt, như bà con ở bản Ồ Ồ Già Hóp, 100% đồng bào dân tộc Thái, cách xa trung tâm cũng hưởng ứng rất sôi nổi.
Không dừng lại ở đó, thực hiện cuộc vận động mỗi nhà có một vườn hoa nhỏ, mỗi đoạn đường là một con đường hoa do UBND xã phát động. Đến nay toàn xã Tường Sơn đã trồng được gần 3 km con đường hoa trên các trục đường xã, thôn tiêu biểu là ở thôn 2, thôn 3 và thôn 12.
Với phương châm “Sạch nhà, sạch ngõ” đến “sạch đồng”, trên các cánh đồng Hội Nông dân xã cũng huy động kinh phí xây dựng bể thu gom vỏ thuốc BVTV. Đến nay đã có 80 cái bể thu gom thuốc BVTV được lắp đặt trên tất cả các xứ đồng.
Hàng tháng, Hội Nông dân xã đều tổ chức đồng loạt các chi hội ra quân thu gom bao bì thuốc BVTV ở tất cả các cánh đồng, tổ chức 100% hội viên ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định giữ gìn vệ sinh trong gia đình, nơi sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường.
Ông Trần Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn cho biết: Xác định trong tiêu chí môi trường nội dung rác thải ở địa phương được xử lý theo quy định là một trong những phần việc khó thực hiện, xã Hoa Sơn đã có hướng đi riêng của mình khác với các xã về đích NTM ở huyện Anh Sơn. Đó là triển khai chủ trương mỗi gia đình, khu dân cư phải xây dựng 1 hố rác để thu gom, tập kết và xử lý. Theo đó, xã cũng đã xây dựng mẫu thiết kế mô hình hố rác có kích thước, kinh phí cho phù hợp với từng hộ.
Để xây được hố rác thải, mỗi hộ gia đình chỉ cần bỏ ra một khoản kinh phí trên 500.000 đồng để mua vật liệu cát, sỏi, xi măng, sắt thép... Hố đốt rác cao khoảng gần 1m, ngăn chứa rộng 1m; có giàn sắt để đựng rác, có mái lợp để tránh mưa…
Sau khi đốt xong hộ dân tận dụng lượng tro để ủ làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến thời điểm này đã có 12/12 thôn, bản trên địa bàn xã triển khai chủ trương xây dựng hố rác tại gia, với 85% số hộ dân sử dụng, mỗi thôn có từ 10 - 12 hố được xây mẫu cho bà con đến xem.
“Xác định môi trường là 1 trong 19 tiêu chí của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, do đó hội nông dân huyện đã phát động trong toàn hội viên chung tay bảo vệ môi trường, đặc biệt là hưởng ứng phong trào “Sạch từ nhà ra đồng ruộng”. Hiện nay, các cơ sở hội đang triển khai phong trào “Sạch từ nhà ra đồng ruộng”, từ phong trào này mô hình thùng rác thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV được triển khai rầm rộ ở các xã Khai Sơn, Hoa Sơn, Lĩnh Sơn, Tào Sơn, Phúc Sơn, Tường Sơn, Hùng Sơn và Cẩm Sơn được trên 900 cái, bên cạnh đó, toàn huyện cũng có trên 7.000 hộ gia đình xây dựng hố rác tại gia.