(Baonghean) - Núi Dũng Quyết ở Vinh được xem là viên ngọc, lá phổi xanh của thành phố. Điều đặc biệt, Lâm viên núi Quyết nằm gọn trong khu vực di tích lịch sử Thành Phượng Hoàng Trung Đô, nơi mà vào năm 1789 Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, người con kiệt xuất của quê hương xứ Nghệ đã lựa chọn để xây kinh đô của nước Việt.

Theo truyền thuyết, thuở khai thiên lập địa, có 100 con chim Phượng Hoàng bay đến vùng đất này, 99 con bay sang phía bờ nam của dòng Lam Giang, và ở đó hình thành dãy núi Hồng Lĩnh 99 ngọn, con chim còn lại dừng lại ở bờ bắc và đó chính là núi Dũng Quyết – Phượng Hoàng hiện nay. Trong quá trình xây dựng nghiệp lớn, vị Anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ đã nhìn thấy đây là vùng đất thiêng, nơi có khí tượng tươi sáng, là điểm hội tụ ngàn năm để dựng nghiệp đế vương. Chính vì vậy, sau khi tiến quân ra bắc đập tan 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược cùng bè lũ tay sai bù nhìn Vua Lê – Chúa Trịnh lúc bấy giờ, Hoàng đế Quang Trung đã cho xây dựng thành Phượng Hoàng nhằm thực hiện nung nấu về một kinh đô chiến lược trên con đường thiên lý Bắc – Nam. Hiện nay, trong quần thể di tích lịch sử Phượng Hoàng – Trung Đô vẫn còn những dấu tích và các giá trị văn hóa tinh thần mà Hoàng đế Quang Trung đã ấp ủ tạo dựng.
 
images930130_dsc_0012.jpgĐền thờ Hoàng đế Quang Trung.
 
Năm 2005, công trình đền thờ Hoàng đế Quang Trung được UBND TP. Vinh đầu tư xây dựng. Công trình được đầu tư với tổng giá trị gần 24 tỷ đồng. Ngày 7/5/2008 đền thờ Hoàng đế Quang Trung hoàn thành đưa vào sử dụng đúng vào dịp kỷ niệm 220 năm Phượng Hoàng – Trung Đô, thành phố Vinh trở thành đô thị loại 1. Theo ông Trần Ngọc Lữ - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Vinh, người đã gắn bó với công trình đền thờ Quang Trung từ khi khởi công cho đến nay, mục tiêu lớn nhất khi thành phố quyết định đầu tư xây dựng ngôi đền là nhằm tri ân công lao to lớn của vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà chính trị - quân sự kiệt xuất của đất nước. Ông Lữ nói rằng: “Cách nay 225 năm khi Hoàng đế Quang Trung chọn vùng đất thiêng Phượng Hoàng để dựng nghiệp lớn và cho dù sự nghiệp của Ngài vẫn còn dang dở thì con cháu, bách gia trăm họ hôm nay vẫn không quên công ơn của Ngài. Xây dựng đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết là thực hiện tâm nguyện của Ngài về một kinh đô trên vùng đất hội tụ khí thiêng sông núi…”
 
Với kiến trúc nghệ thuật đặc sắc theo phong cách của kiến trúc thời Nguyễn, toàn bộ ngôi đền được làm bằng gỗ lim, tạo nên vẻ uy nghi cổ kính. Đền gồm có tam tòa gồm thượng điện, trung điện và hạ điện. Mái đền được lợp bằng ngói mũi hài gồm hai lớp. Tường xây gạch bát, cửa đi, cửa sổ kiểu bức màn thượng song hạ bản. Đền có hai lối ra vào ở hai bên, nghi môn tứ trụ được thiết kế kiến trúc kiểu 2 tầng 8 mái... Nhà tiền đường có thể được xem là trung tâm của ngôi đền được thiết kế theo lối kiến thúc dân gian Việt Nam gồm ba gian hai chái, với bốn hàng cột. Đền không chỉ thờ Hoàng đế Quang Trung mà còn thờ thân phụ và thân mẫu của Ngài.
 
Hằng năm đền thờ Hoàng đế Quang Trung trở thành điểm hẹn văn hóa của du khách thập phương. Tại đây du khách vừa được sống trong không khí trang nghiêm, tôn kính của tín ngưỡng vừa được hòa mình vào không gian du lịch sinh thái trong bức tranh sơn thủy hữu tình của một trong những địa danh có chiều sâu lịch sử và linh thiêng nhất ở xứ Nghệ. Ông Trần Ngọc Lữ cho biết, trước năm 2011 bình quân mỗi năm đền thờ Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ thu hút từ 50 nghìn đến 70 nghìn lượt du khách đến chiêm bái và thắng cảnh. Từ sau năm 2011 đến nay lượng khách du lịch đến đền đã tăng hơn gấp đôi. Hằng năm vào ngày mồng 5 tháng Giêng tại đền thờ Hoàng đế Quang Trung đều diễn ra lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa - chiến công lừng lẫy nhất của Hoàng đế Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789. Năm nay vừa tròn 225 năm sau sự kiện trọng đại đó và tại Vinh, UBND TP, Ban Quản lý đền thờ Hoàng đế Quang Trung đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa chào mừng. Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên đền phát hành thẻ ấn cho du khách thập phương. Thẻ ấn với ý nghĩa là lá bùa của Hoàng đế Quang Trung phù hộ cho bách gia trăm họ an thái khang ninh; phù trợ nhân dân một năm mưa thuận gió hòa, chở che để mọi người đều yên bình và lạc nghiệp.
 
Trong ngày khai ấn đã có hàng ngàn người hội tụ về đền, song điều đáng ghi nhận là không có cảnh chen lấn, xô đẩy. Tại đây cũng không có những hiện tượng dịch vụ tranh bán, tranh mua đồ đi lễ. Và một điều nữa  mặc dù đền thờ Hoàng đế Quang Trung tọa lạc trên đỉnh núi Dũng Quyết cao 97m so với mực nước biển song vẫn có bãi đỗ xe rộng rãi cho du khách khi đến dâng hương, vãn cảnh. Ban quản lý đền cũng bố trí hương nhang miễn phí cho mọi người khi muốn hướng tấm lòng lên chốn uy linh. Tại đây cũng không có cảnh ăn mày, hành khất như ở nhiều nơi.
 
Có thể nói, trên con đường di sản miền Trung, quần thể di tích Phượng Hoàng – Trung Đô và đền thờ Hoàng đế Quang Trung đã được biết đến như một điểm nhấn về lịch sử - văn hóa – tâm linh mà không phải ở nơi nào cũng có được. Và trong không gian nhiều màu sắc ấy đền thờ Hoàng đế Quang Trung mãi là nơi hội tụ khí thiêng sông núi muôn đời.
 
Đào Nguyên