Vừa thả con giống đã tái dịch

Ngày 25/12, tại gia trại chăn nuôi của gia đình bà Nguyễn Thị Toan ở xóm 9, xã Diễn Liên (Diễn Châu) xảy ra ổ dịch tả lợn châu Phi. Ông Cao Văn Dương, chồng bà Toan cho biết: Đàn lợn 200 con của gia đình vừa tái đàn được hơn 10 ngày. Nguồn gốc lợn giống được mua tại một trại lợn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Khi xuất bán, cơ sở này có giấy xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi.

bna_anh_14530237_212020.jpgĐàn lợn 200 con của gia đình bà Nguyễn Thị Toan ở xóm 9, xã Diễn Liên vừa tái đàn được 10 ngày đã phát dịch. Ảnh: Xuân Hoàng

Tuy nhiên, sau khi về nuôi được 10 ngày thì một số con lợn có biểu hiện ốm. Ngày 23/12, gia đình báo với cơ quan thú y đến lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến ngày 25/12, chính quyền địa phương xã Diễn Liên và Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Diễn Châu tiến hành tiêu hủy toàn bộ 200 con lợn của gia đình bà Nguyễn Thị Toan.  

Cùng đó, trên địa bàn xã Diễn Vạn (Diễn Châu) cũng tái bùng phát ổ dịch tả lợn châu Phi tại hộ bà Phạm Thị Dần ở xóm Trung Phú. Được biết, gia đình bà Dần cũng tái đàn trước đó hơn 10 ngày, nhưng không khai báo với chính quyền địa phương. Xã Diễn Vạn là địa phương xảy ra ổ dịch đầu tiên trên địa bàn huyện Diễn Châu.

Cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tiêu hủy đàn lợn của gia đình bà Nguyễn Thị Toan. Ảnh: Xuân Hoàng

Không như các hộ ở Diễn Châu, với ông Nguyễn Văn Hòa ở xóm Long Minh, xã Minh Sơn (Đô Lương) cẩn thận hơn trước khi tái đàn. Ông Hòa cho hay, trại lợn của gia đình ông bị nhiễm dịch từ đầu tháng 4, nhưng sau 4 tháng ông nuôi thử 5 con lợn vẫn bị tái dịch. Chứng tỏ mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong chuồng trại. Vì vậy, đến nay gia đình ông Hòa vẫn chưa dám tái đàn, mà tiếp tục rắc vôi bột và phun hóa chất khử trùng.

Cương quyết không hỗ trợ

Ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Trên địa bàn huyện Diễn Châu vừa xảy ra 2 ổ dịch mới tại 2 hộ: Nguyễn Thị Toan ở xóm 9, xã Diễn Liên và Phạm Thị Dần ở xóm Trung Phú, xã Diễn Vạn.

Điều đáng nói, 2 hộ này không khai báo với chính quyền địa phương trước khi tái đàn. Theo quy định, trong điều kiện dịch tả lợn châu Phi chưa chấm dứt như hiện nay, trước khi tái đàn gia đình phải khai báo với chính quyền địa phương.

Trại lợn của gia đình bà Nguyễn Thị Toan ở xóm 9, xã Diễn Liên nằm biệt lập ngoài cánh đồng. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo đó, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn kiểm tra chuồng trại có đảm bảo an toàn sinh học không, sau đó là kiểm tra nguồn gốc con giống và xác nhận mẫu xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi nơi đi, nơi đến. Nếu đảm bảo được các yếu tố phòng dịch thì hộ đó mới được tái đàn.

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện sau khi nhận được thông tin đã xuống tận nơi lập biên bản, cương quyết không lập hồ sơ để được hộ trợ theo chính sách của Nhà nước của 2 hộ nói trên.

Trên địa bàn Diễn Châu, từ khi xảy ra dịch đến nay, đây là 2 hộ đầu tiên tự ý tái đàn không khai báo với chính quyền địa phương. Hiện nay, UBND huyện chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về quy định tái đàn lợn theo Chỉ thị 19 của UBND tỉnh.

Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu

Ông Ngô Đức Quỳnh – Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Theo khuyến cáo của ngành Thú y, những hộ nào có đủ điều kiện tái đàn, lần đầu chỉ nên nuôi thử 10% quy mô chuồng trại, nếu thấy ổ định mới tài đàn với số lượng lớn.
Tuy nhiên, ngoài 2 hộ ở Diễn Châu vừa xảy ra tái dịch thì trên địa bàn các huyện khác không có trường hợp nào tương tự. Thực hiện theo Chỉ thị số 19 ngày 14/11/2019, các địa phương phải cương quyết không lập hồ sơ hỗ trợ đối với những hộ tái đàn mà không khai báo với chính quyền địa phương.
"Mặc dù dịch đang giảm mạnh, nhưng nguy cơ tái dịch cao, bởi tình trạng người dân tái đàn mà không khai báo với chính quyền địa phương vẫn còn" - ông Ngô Đức Quỳnh lo lắng
Theo Chỉ thị số 19 ngày 14/11/2019 của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ đông xuân thì, tuyệt đối không tái đàn đối với chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, không đáp ứng các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Khuyến khích phát triển các giống vật nuôi khác phù hợp như: Trâu, bò, dê, gia cầm… Những hộ nào tự tái đàn lợn khi chưa được đồng ý của chính quyền địa phương, khi bị dịch bệnh sẽ không được hỗ trợ.