Ngày 9/3, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được ghi nhận tại trang trại ở huyện Hoa Lư.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình cho hay, một ngày trước, đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Xuân Hải, ở xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư có biểu hiện ốm chết bất thường. Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho thấy đàn lợn ở trang trại này dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

072935-1.jpgChốt kiểm soát dịch tả lợn châu Phi được lập nhiều nơi quanh các vùng dịch. Ảnh: Lê Hoàng.

Sáng nay, Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Ninh Bình phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn gần 60 con của gia đình ông Hải.

Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư Bùi Duy Quang cho hay đang tổ chức lực lượng bao vây, không để dịch lây lan trên diện rộng. Huyện Hoa Lư đã cấp phát gần 600 lít hóa chất cho các xã, thị trấn để vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường tại các trang, gia trại và các khu chợ buôn bán thịt lợn. Các hộ chăn nuôi được hướng dẫn dùng vôi bột rắc quanh chuồng nuôi nhằm phòng chống dịch.

UBND huyện Hoa Lư đã cho lập các chốt kiểm dịch động vật quanh vùng dịch và các tuyến đường lớn, cử cán bộ chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện dịch bệnh kịp thời; yêu cầu các chủ hộ chăn nuôi không giết mổ, không bán chạy lợn ốm, lợn chết...

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2017 đến tháng 2/2019, 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tổng cộng hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.

Tại Việt Nam ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ngày 1/2. Đến ngày 9/3, dịch lan ra 12 tỉnh, thành phố gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh và Ninh Bình.