Thiếu hóa chất khử trùng, máy phun hỏng
Sáng 7/3, có mặt tại chợ thị trấn Yên Thành, theo quan sát của chúng tôi, tất cả các quầy bán thịt lợn đã được kiểm dịch; sản phẩm thịt đều được đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Ngay từ sáng sớm, cán bộ thú y trực tiếp kiểm tra các loại sản phẩm lợn được bày bán.
Bà Vũ Thị Lan - cán bộ thú y phụ trách thú y tại chợ thị trấn Yên Thành cho rằng: Công tác vệ sinh khu vực lò mổ là do chủ lò mổ thực hiện, còn phun hóa chất khử trùng là do cán bộ thú y thực hiện. Khi nào chợ hết người, bà phun hóa chất cả khu vực chợ và lò mổ luôn. Tuy nhiên, hiện tại trong lò mổ không có hóa chất, còn bình phun, theo bà Lan cho biết là đang sửa chữa, vì hỏng.
Ông Nguyễn Khắc Minh - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Yên Thành cho biết: Thực hiện công điện của UBND huyện về phòng dịch tả lợn châu Phi, theo nguyên tắc, ngay sau khi kết thúc giết mổ, chủ lò mổ thu dọn vệ sinh khu vực giết mổ sạch sẽ, cán bộ thú y chủ động phun hóa chất khử trùng trong toàn bộ khu vực lò giết mổ. Đối với các chợ cũng vậy, ngay sau khi kết thúc phiên chợ, cán bộ thú y phun hóa chất khử trùng ngay. Việc này, Trạm Thú y đã giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ thú y xã.
Được biết, trên địa bàn huyện Yên Thành hiện có 16 lò giết mổ gia súc tập trung và hàng chục điểm giết mổ nhỏ lẻ tại các hộ gia đình. Mỗi ngày, huyện Yên Thành giết mổ khoảng 150 con lợn. Do vậy, Yên Thành cần làm tốt công tác phòng dịch.
Nguy hiểm việc giết mổ tại gia
Tại xã Nghi Phú - điểm cung cấp thịt lợn lớn nhất cho TP. Vinh nhưng công tác vệ sinh cũng chưa được quan tâm đúng mức. Anh Nguyễn Hữu Phượng ở xóm 13, xã Nghi Phú tận dụng một phần diện tích sân phía sau nhà để làm nơi giết mổ. Mặc dù trước và sau khi giết mổ anh đều vệ sinh chuồng trại, sân giếng, tuy nhiên như vậy là chưa đủ quy trình để phòng dịch tuyệt đối. Anh Phượng cho biết: Chuồng của tôi được phun tiêu độc 1 tuần/lần. Sau khi khi giết mổ xong, nước thải sẽ trôi xuống hố biogas, phân lợn sẽ cho vào thùng để vận chuyển làm thức ăn cho ao cá.
Được biết, trong thời gian lò mổ Nghi Phú đang tập trung xử lý môi trường, các hộ làm nghề giết mổ lợn đã xây dựng lò mổ tại gia để tiếp tục hành nghề. Tuy nhiên, trong 20 hộ dân làm nghề giết mổ tại gia trên địa bàn xã Nghi Phú hiện nay dù đã làm công tác vệ sinh chuồng trại hàng ngày, nhưng đều không phun hóa chất khử trùng sau khi giết mổ lợn.
Ông Võ Bá Đương, cán bộ thú y xã Nghi Phú cho biết: Lợn được nhập về và mổ theo ngày, chúng tôi cũng chỉ đạo các hộ phải vệ sinh thường xuyên. Đối với việc phun tiêu độc khử trùng thì phun theo tuần, chứ không thể phun theo ngày vì chi phí cao và nhân viên thú y cũng không đủ người để thực hiện.
Ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho rằng: Để phòng dịch tả lợn châu Phi được tốt, thực hiện theo Chỉ thị số 07 của UBND tỉnh về phòng dịch tả lợn châu Phi, các lò mổ tập trung và nhỏ lẻ tại các hộ, ngoài nhập lợn có nguồn gốc, còn phải phun hóa chất khử trùng trước và sau khi kết thúc 1 ca mổ và thu dọn vệ sinh sạch sẽ, kết hợp rắc vôi bột khu vực lò mổ.
Chính quyền cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát lò mổ tập trung; UBND các xã kiểm tra, kiểm soát lò mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư.