Sáng nay (14/4), tại Trường THCS Trần Quốc Toản, TP. Hạ Long, Quảng Ninh, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh phát động chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi và hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2022. Buổi lễ có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cùng các đơn vị liên quan.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Tuần lễ tiêm chủng "Immunization week” là sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về bảo vệ cuộc sống bằng vắc-xin phòng bệnh thông qua tiêm chủng được thực hiện rộng rãi từ năm 2011. Tuần lễ tiêm chủng năm nay do WHO khu vực Tây Thái Bình Dương phát động với chủ đề “Vắc-xin mang lại cuộc sống lâu dài cho tất cả mọi người".
"Với tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao cho nhóm đối tượng, lứa tuổi có nguy cơ cao, Việt Nam đủ điều kiện để tiếp tục mở rộng đối tượng tiêm chủng và triển khai tiêm chủng cho các nhóm đối tượng khác bao gồm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế trong năm 2022", ông Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi lễ.
Ngay sau lễ phát động, hôm nay sẽ có 160 em học sinh lớp 6 của Trường THCS Trần Quốc Toản được tiêm vắc-xin Covid-19 loại Moderna. Các em học sinh trước khi tiêm được phát sữa để uống, sau đó khám sàng lọc. Khi các em đáp ứng đầy đủ yêu cầu sẽ được nhân viên y tế tiêm mũi vắc-xin vào cánh tay rồi ngồi nghỉ để kiểm tra trong vòng 30 phút.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi sẽ thực hiện trước đối với nhóm trẻ lớp 6, sau đó sẽ hạ dần độ tuổi. Hiện có 2 loại vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là vắc-xin Pfizer và vắc-xin Moderna. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 4 tuần. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi cùng loại vắc-xin, không tiêm trộn với bất kỳ vắc-xin mRNA nào.
Chuyên gia khuyến cáo gì về theo dõi trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19?
Về phản ứng sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, Phó Viện trưởng Dương Thị Hồng cho biết, các phản ứng sau tiêm đối với trẻ này tương tự như đối với nhóm từ 12 - 17 tuổi.
Cụ thể, người tiêm có thể gặp tình trạng đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm, kiệt sức, đau đầu tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm, đau cơ và ớn lạnh.
Theo chuyên gia, một số phản ứng có thể xảy ra gồm phổ biến và bất thường như sốt, phát ban, tím tái, mệt mỏi, li bì,... có thể xảy ra sau 4-8 giờ. Các tình trạng này thường giảm sau 1-2 ngày đầu. Do đó, nếu những biểu hiện này có dấu hiệu trầm trọng trọng hơn, cha mẹ cần liên hệ và đưa bé tới cơ sở y tế gần nhất.
Liên quan việc chăm sóc trẻ sau tiêm chủng, TS. BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Nhi Trung ương cũng chỉ rõ các mốc thời gian gia đình cần lưu ý là 30 phút, 24 giờ, 1 tuần và 28 ngày.
Với trẻ em sau tiêm 3 ngày và trở lại trường học, gia đình và thầy, cô sẽ cần có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo sức khỏe của trẻ.
Cụ thể, trẻ cần tránh vận động mạnh trong thời gian này. Các hoạt động thể lực phải được điều chỉnh để tránh nhầm lẫn với các phản ứng sau tiêm.