LTS: Những điều trông thấy và cảm nhận về cuộc sống, con người, để qua đó thấy được hình ảnh một đất nước đã được CTV Nguyễn Đức Lam ghi lại dưới dạng nhật ký trong chuyến công tác tại một số nước châu Âu vừa qua. Đằng sau những ghi chép tưởng chừng nhỏ nhặt, với văn phong ngắn gọn, chính là con mắt quan sát tinh tế, là rất nhiều trăn trở, suy tư của tác giả. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc những ghi chép mà tác giả cho là “ghi chép vụn vặt dọc đường” này của tác giả Nguyễn Đức Lam.

images1186740__nh_3.jpgKênh Đào ở Amsterdam
1.Trong mấy ngày ở Hà Lan, đưa đón đoàn là một bác lái xe gần 60 tuổi, cao gầy lỏng khỏng, nói tiếng Anh tàm tạm, đủ để giao tiếp hàng ngày. Còn ngoài phố, các địa điểm công cộng thì có thể thoải mái dùng tiếng Anh. Nhất là ở công sở như Văn phòng nghị viện, các công chức Hà Lan trình bày, trao đổi bằng thứ tiếng Anh lưu loát. Nghe bảo đến 80% dân chúng Hà Lan biết giao tiếp bằng tiếng Anh. Lại nhớ, ông Lý Quang Diệu từng dứt khoát đưa cho được tiếng Anh vào đời sống hàng ngày của dân Singapore, coi đây là một yếu tố then chốt để phát triển.
 
 2.Tòa nhà Nghị viện Hà Lan được xây trên nền trụ sở cũ Tòa án Tối cao. Người ta đã giữ lại mấy tấm gỗ sồi cũ từ trụ sở Tòa án và dựng tại sảnh chính của nhà Nghị viện. Gỗ sồi, theo lời người phụ nữ hướng dẫn, tượng trưng cho sự thật. Chắc hẳn nó có ý nhắc nhở những người làm việc, đứng chân tại những nơi này phải tôn trọng sự thật, xét xử theo sự thật, làm luật cũng đúng sự thật.
 
Thư viện của Hạ viện Hà Lan là một căn phòng cổ kính, chất đầy sách, biên bản các phiên họp từ mấy trăm năm nay. Nhưng từ 2007, người ta không còn in các tập biên bản nữa, mà đã số hóa chúng, đưa hết lên mạng. Phòng thư viện được thiết kế đủ ánh sáng tự nhiên cho người đọc. Trước đây, khi chưa có điện, chỉ được vào đọc khi trời còn sáng, người ta không dám dùng nến vì sợ gây hỏa hoạn.
 
3. Sang Bỉ, đoàn vào ăn trưa tại một nhà hàng Việt. Bà chủ, một phụ nữ cở mở, mau mồm mau miệng, chừng gần 60, sang từ năm 2001. Bà kể, dân đây họ bảo “đâu cần chi chính quyền nhiều, mệt, để dân tự sắp xếp với nhau được thôi mà”. Lại nghĩ đến ở nhà, những năm gần đây chúng ta cũng bắt đầu nói đến chuyện Nhà nước bớt can dự vào nhiều vấn đề nhỏ nhặt hay nói chính xác hơn là điều chúng ta muốn hướng tới: "Nhà nước nhỏ, xã hội lớn" (nghĩa là bộ máy nhà nước được tinh giản, song có hiệu lực, hiệu quả cao).
 
4. Tại Geneva, mấy anh ở đây chỉ cây tùng trồng từ năm 1920 nằm trong khuôn viên nhà mình, bảo, chúng tôi muốn tỉa tót cành lá cho cây này cũng phải xin phép chính quyền thành phố đấy, vì nó được coi là tài sản chung của thành phố, chứ không phải của nhà ai cả. Hờ hờ! Thôi, không nói nữa, mọi người chắc cũng nghĩ đến chuyện gì rồi.
 
Bãi cỏ quán bia ở Bern (Thụy Sỹ).
5. Đang thả bộ ngắm cảnh Bern, thấy quán bia ngoài trời có bãi cỏ rộng, người lớn túm năm, tụm ba hay từng đôi đang trò chuyện, uống bia, nghe nhạc sống, trẻ em tung tăng vui đùa, chạy nhảy. Thế là mấy anh em cũng rủ nhau làm mỗi người cốc bia loại vừa, ngồi xoài trên cỏ, thưởng ngoạn bia, ngắm cảnh, ngắm người, nghe nhạc. 
 
Nằm lim dim trên lớp cỏ mềm mại, sạch sẽ, nhìn lên bầu trời 9 giờ tối mà vẫn sáng trong xanh, nghe xung quanh người nói chuyện rôm rả trong tiếng nhạc vui tươi, chợt ước ao, giá ở quê nhà có được một không gian như vậy?
 
6. Qua mấy thành phố của 3 nước, đều cảm nhận được chiều dài lịch sử hàng trăm năm trong từng ngôi nhà cổ, con phố cũ, từng viên đá lát đường, hàng cây xanh... Lại nhớ lời ông Giáo sư luật người Pháp, thẩm phán Tham chính viện (Tòa hành chính cao nhất của Pháp) nói như một nhà thơ: Hàng ngày, trên đường đi bộ đến nơi làm việc, tôi đều được đặt chân trên từng viên đá lát đường lặng lẽ hàng trăm năm của Paris.
 
Ở ta, đã có ai, ở đâu đó, khi bước chân trên những con phố có được cảm nhận đó chưa?
 
Nguyễn Đức Lam