Baonghean.vn)- Đền Rậm là Di tích lịch sử Kiến trúc - Nghệ thuật Quốc gia nổi tiếng nhưng đang có nguy cơ bị biến thành phế tích. Đền Rậm ngày một xuống cấp và hư hỏng, gây nhiều tiếc nuối cho người dân.
Quần thể đền Rậm bao gồm đền Rậm trong, đền Rậm ngoài, chùa và nhà thánh.Trong đó, đền Rậm trong thờ Lê Lô, Cao Sơn, Cao Các, đền Rậm ngoài thờ Nguyễn Quang Hợp, chùa thờ Phật, nhà thánh thờ các vị được người dân tôn thánh. Đền được xây dựng vào năm 1831, hoàn thành vào năm 1832. Từ đó đến nay đã trở thành một địa điểm tâm linh quan trọng với người dân xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên. Đền Rậm được công nhận Di tích quốc gia năm 2008. Quần thể đền Rậm gồm 14 hạng mục lớn, nhỏ bao gồm cổng đền, nhà trình, hữu vu, hạ điện, trung điện, thượng điện... Do nằm trên địa hình trũng thấp, xung quanh là đồng ruộng bao phủ nên những lúc mưa lũ, đền đều phải chịu cảnh ngập lụt. Điều đó gây nên tình trạng mối mọt và xuống cấp nghiêm trọng. Trong hình là gian bái đường - một hạng mục chính của quần thể đền Rậm. Được biết, năm 1988 - 1989, gian bái đường của đền bị cháy toàn bộ, vì không có kinh phí để xây dựng lại nên người dân phải di chuyển gian tả vu của đền vào vị trí này để thay thế. Phần móng nhà của gian tả vu đến nay vẫn bị bỏ hoang, gây thiên lệch trong cấu trúc của quần thể đền Rậm. Đây là thượng điện của đền. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là một trong số ít di tích của nước ta có sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật đậm chất dân dã với nghệ thuật mang yếu tố cung đình sau thế kỷ XVII trong kiến trúc và lối chạm khắc. Đó là một trong những yếu tố quan trọng giúp đền Đền Rậm trở thành Di tích lịch sử Kiến trúc - Nghệ thuật Quốc gia. Đền Rậm còn được người dân nơi đây tự hào xem là "Quốc Tử Giám" của địa phương mình khi còn các văn bia ghi danh lại những Tiến sỹ đậu đạt cao trong các kỳ thi của triều đình tổ chức. Theo chia sẻ của ông Phạm Văn Tâm (ông từ của đền) thì trước đây, bia đá được để ở nhà thánh nhưng sau này do chiến tranh và biến động của thời gian mà thất lạc đi nhiều. Giờ chỉ còn một văn bia đặt ở bái đường mà thôi. Mặc dù cảnh quan và tổng thể kiến trúc của di tích xưa đã có sự thay đổi, mất mát hư hỏng nhưng sự còn lại của đền Rậm trong và đền Rậm ngoài vẫn chứa đựng những giá trị lịch sử văn hoá- kiến trúc nghệ thuật lớn lao. Ở các vì kèo, các đường xà, đầu dư, đầu bẩy của đền đều được chạm trổ thể hiện nhiều đề tài phong phú như cá vượt vũ môn, cá chép hoá rồng, mai hoá long ly... một cách sinh động và tinh xảo. Bức hiệu còn lưu lại của đền. Là quần thể đặc biệt khi vừa có cả đền và chùa; đồng thời được công nhận là Di tích lịch sử Kiến trúc - Nghệ thuật Quốc gia nhưng hiện đền Rậm vẫn chưa thu hút được nhiều người thăm viếng bởi sự xuống cấp và hư hỏng. Năm 2010, đền được hỗ trợ 100 triệu đồng để đầu tư tôn tạo. Tuy nhiên, với số tiền đó cũng chỉ tôn tạo được một số ít hạng mục đã bị hư hại nặng mà thôi. Lê Thắng - Thanh Quỳnh