(Baonghean)- Khu tập thể nhà tầng Quang Trung không chỉ là nơi cư ngụ của nhiều thế hệ người dân thành phố Vinh mà còn là chứng tích của một thời kỳ gian khó, của mối quan hệ tốt đẹp Việt - Đức
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, do sự xuống cấp nghiêm trọng nên khu tập thể này đã được chính quyền quyết định cho di dời làm dự án xây dựng nhà cao tầng mới. Dự án này được bắt đầu từ năm 2013 và đến nay, một số dãy nhà của khu tập thể đã được dỡ bỏ để xây dựng các nhà cao tầng mới.
Việc xóa bỏ các ngôi nhà cũ kỹ và xây dựng rầm rộ các tòa nhà cao tầng ở đô thị làm cho người ta ít chú ý suy ngẫm rằng khu tập thể Quang Trung không chỉ đơn thuần là một công trình xây dựng, mà còn là công trình mang tính di sản văn hóa của một mô hình tổ chức dân cư thời bao cấp, một phần của lịch sử thành phố Vinh.
Như đã biết, từ năm 1974 - 1975, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sau khi thoát ra từ hai cuộc chiến tranh khốc liệt, sự ra đời của những tòa nhà cao tầng ở các tỉnh miền Bắc chẳng khác gì các lâu đài trong truyện cổ tích. Khu tập thể Quang Trung ra đời và trở thành một điển hình trong không gian sinh sống của thành phố Vinh thời bao cấp. Đây cũng là biểu tượng cho tinh thần hữu nghị giữa Việt Nam với CHDC Đức trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và hơn hết, đây là khu dân cư gắn liền với cuộc đời của nhiều người đã sinh sống trong mấy thập kỷ qua. Hầu hết đó là bộ phận công viên chức và cán bộ, không chỉ có vị thế cao mà còn phải có nhiều thành tích mới được ở trong các toà nhà tập thể này.
Chúng ta không thể chối bỏ rằng, có được một căn phòng trong các dãy nhà tập thể này từng là mơ ước của nhiều người. Nó có sức hút lớn đến mức mà nhiều gia đình dù có đất đai nhà cửa rộng rãi và ổn định ở giữa thành phố cũng đem bán để chuyển lên khu tập thể sinh sống. Và có một thế hệ đã được sinh ra và lớn lên ở đây mà đối với họ, những khu tập thể này cũng không khác gì một làng quê của những người ở nông thôn truyền thống. Họ là những người có nhiều trải nghiệm về cuộc sống tập thể ở đô thị thời bao cấp-thời xếp hàng chờ lấy nước, chờ nhau đi vệ sinh hay rào ban công để nuôi gà, ngăn nhà tắm để nuôi lợn…
Nhưng cũng trong cuộc sống tập thể đó, tinh thần cộng đồng, sự chia sẻ buồn vui vô cùng khăng khít. Đó là cuộc sống cũng lắm gian khổ mà vui buồn cũng nhiều. Hiện nay, dù các dãy nhà đã xuống cấp và phải dỡ bỏ để xây dựng lại, nhưng với một số người, sẽ không khỏi lưu luyến và hoài niệm về một thời sinh sống trong các dãy nhà này, một thời làm việc không biết mệt mỏi vì lý tưởng, vì đất nước.
Thời gian cứ trôi nhanh, những tòa nhà cao tầng mà một thế hệ đã phải ngước nhìn và mơ ước nay đã trở nên cũ kỹ và xuống cấp. Những bức tường trở nên ố vàng, bong lóc, những rào lan can ghỉ thép, vôi vữa cũng không muốn gắn bó với bờ tường. Những căn phòng nhỏ là lý tưởng một thời nay trở nên quá chật hẹp, không còn phù hợp với cuộc sống các gia đình hiện tại. Cuộc sống của con người trong các khu tập thể này cũng trở nên bất an do nhiều nguyên do khác nhau đến từ sự chật hẹp, sự xuống cấp của các tòa nhà. Trong khi đó, việc cải tạo, sửa sang lại vô cùng khó khăn do kiến trúc gắn liền với nhau và một vài gia đình không quyết định được việc này do mối quan hệ liên quan ảnh hưởng với các hộ gia đình khác.
Vậy nên, việc dỡ bỏ các dãy nhà tập thể đã xuống cấp nhằm đảm bảo cuộc sống và sự an toàn cho người dân là một việc làm cần thiết. Bỏ đi những ngôi nhà không còn an toàn và thay vào đó những tòa nhà mới đẹp hơn, rộng hơn và an toàn hơn là một sự tiến bộ, một sự thay đổi tích cực trong đô thị.
Tuy nhiên, sự tiến bộ nào cũng cần có bệ đỡ nền tảng của nó từ cái cũ, vì đó là quá khứ, là lịch sử. Điều đó làm cho chúng ta phải suy nghĩ và cân nhắc liệu có cần phải xóa bỏ tất cả không, để rồi coi như thành phố Vinh như chưa từng xuất hiện một loại hình kiến trúc biểu tượng của thời bao cấp hay không? Một loại hình kiến trúc mà như ông Lương Bá Quảng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Nghệ An đánh giá: “Là loại hình kiến trúc lấy con người làm trung tâm, nó khác với các khu chung cư hiện nay lấy lợi nhuận làm trung tâm”.
Hãy đặt ra một khía cạnh coi khu tập thể Quang Trung là một di sản văn hóa, vậy thì phải tìm cách để bảo tồn? Giữ lại nguyên vẹn khu tập thể đương nhiên không phải là câu trả lời. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cách khác để bảo tồn di sản này.
Trước hết, cần phải lưu giữ lại những tài liệu liên quan đến quá trình xây dựng và sử dụng khu tập thể này, từ các bản thiết kế, các hợp đồng hay chứng nhận cho các hộ gia đình sinh sống ở đây, các giấy tờ liên quan đến sửa sang, cải tạo trong thời gian qua và cả những giấy tờ, tài liệu liên quan đến quá trình giải tỏa, phá bỏ các khu nhà.
Cũng cần thiết phải mô hình hóa lại toàn cảnh khu tập thể này theo một tỷ lệ nhất định nhằm lưu gia lại để khi cần có thể định vị lại nó trong thành phố Vinh trong một thời đoạn nhất định. Và sẽ tuyệt vời hơn nếu giữ lại một phần, có thể là một tòa nhà hay một phần tòa nhà có nhiều hộ gia đình đã sinh sống như là một không gian lịch sử của thời bao cấp.
Trong đó, không chỉ giữ lại cái khung nhà cửa, mà cố gắng giữ được càng nhiều càng tốt những cách bố trí, nội thất bên trong các căn phòng. Tiến hành sưu tầm hiện vật từ nhiều gia đình khác nhau đã sinh sống ở đây, để giữ lại một không gian tập thể như trước đây nó vốn có. Giống như một bảo tàng nhỏ thời bao cấp mà trong đó có được cả những dụng cụ, những hiện vật tiêu biểu như các sổ gạo, các phiếu mua hàng, các công cụ, dụng cụ sinh hoạt mà nhiều người còn lưu giữ lại được.
Có thể trong tương lai, không gian này sẽ thu hút được nhiều người tham quan, khi họ muốn biết hơn về thời bao cấp ở Vinh.
Sỹ Hào