(Baonghean) - Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh là 1 trong 5 trường đại học trên cả nước đào tạo giáo viên dạy nghề trình độ thạc sỹ, đại học và cao đẳng. Từ mái trường này, đã có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp và trở thành cán bộ, giáo viên cốt cán trên lĩnh vực đào tạo nghề của cả nước.
 
Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh chính thức đi vào hoạt động từ năm 1960 và chính thức đổi tên thành Trường Giáo viên dạy nghề Vinh từ năm 1973. Từ bấy đến nay, song song với nhiệm vụ đào tạo kỹ sư các ngành kỹ thuật, nhà trường còn là nơi đào tạo giáo viên dạy nghề. Thời gian đầu, trường có Ban Nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, từ năm 2.000, khi Trường Sư phạm Kỹ thuật 3 được phát triển thành Trường CĐSP kỹ thuật Vinh, thì Ban Nghiệp vụ sư phạm được đổi tên thành khoa Sư phạm.
 
Mục tiêu chính của trường là đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, tiếp cận với sự phát triển của sự nghiệp dạy nghề theo yêu cầu mới. Từ đó, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước cũng như đào tạo nhân lực góp phần đưa Nghệ An thành trung tâm phát triển Bắc Trung bộ.
 
images1792201_5a.jpgHội thi nghiệp vụ sư phạm năm 2016 tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh.

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của khoa Sư phạm kỹ thuật có khá nhiều thăng trầm. Với lợi thế là 1 trong 5 trường đại học trên cả nước đào tạo sinh viên sư phạm kỹ thuật, nên đây từng là cái nôi đào tạo giáo viên ngành Kỹ thuật công nghiệp cho các trường THPT, đào tạo giáo viên dạy nghề cho hầu hết các trường cao đẳng, trung cấp, dạy nghề ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. 

Tại Nghệ An, rất nhiều cán bộ cốt cán ở các trường nghề cũng trưởng thành từ mái trường này. Thời gian gần đây, do việc tuyển dụng sinh viên hệ sư phạm gặp nhiều khó khăn nên số lượng đào tạo không nhiều như ngày trước. Tuy nhiên, trường vẫn là lựa chọn đầu tiên cho những sinh viên đam mê nghề giáo bởi đây vẫn là ngành mũi nhọn, có bề dày truyền thống của nhà trường.
 
Mỗi năm, trường có từ 150 - 200 sinh viên đăng ký vào khoa Sư phạm Kỹ thuật. Đây đều là những sinh viên có học lực khá, có phẩm chất, đạo đức tốt, có nguyện vọng được làm giáo viên dạy nghề và được tuyển chọn từ các khoa, ngành thuộc khối kỹ thuật trong toàn trường. 
 
 
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh tổ chức Hội thi Sáng tạo Robocon 2016.

“2 trong 1” cũng chính là lợi thế của sinh viên theo học ngành Sư phạm kỹ thuật ở Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh. Theo đó, với sinh viên học 1 trong 6 ngành như Kỹ thuật điện, Kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật cơ khí... nếu có nguyện vọng thì từ học kỳ III sẽ được học thêm chứng chỉ sư phạm dạy nghề.

Nhờ vậy, sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có 2 lựa chọn: hoặc là kỹ sư hoặc là làm giáo viên dạy nghề. Đặc biệt, với sinh viên đăng ký học ngành Sư phạm, các em sẽ được miễn học phí trong quá trình theo học. 

Trên thực tế, những năm qua, sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm kỹ thuật của trường tỷ lệ có việc làm chiếm đến gần 90%. Trong đó, có không ít sinh viên có kết quả học tập xuất sắc, sau khi tốt nghiệp đã được giữ lại trường để làm giảng viên.
 
Với phương thức đào tạo này, nhà trường cũng phát huy được lợi thế của mình. Đó là sinh viên được đào tạo bài bản ở nhiều khoa ngành khác nhau với nhiều giáo viên có kinh nghiệm, có tâm huyết. Đồng thời với đó, các em có cơ hội được thực tập, được làm việc trong nhiều môi trường khác nhau và được tận dụng hết những lợi thế sẵn có về cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường.
Một tiết học thực hành của sinh viên khoa cơ khí động lực.

Năm 2016, trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo thí điểm giáo viên dạy nghề trình độ thạc sỹ ở 2 ngành thạc sỹ sư phạm kỹ thuật điện và thạc sỹ sư phạm kỹ thuật ô tô. Đây là cơ hội để đầu tư phát triển nâng cao trình độ sư phạm kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên dạy kỹ thuật. Chính họ mới là người trực tiếp đào tạo nên đội ngũ công nhân kỹ thuật có chất lượng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay ở nước ta. 

Song song với đào tạo sinh viên sư phạm kỹ thuật chính quy, hiện khoa Sư phạm kỹ thuật cũng làm tốt vai trò bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, giảng viên đại học, cao đẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; các lớp ngắn hạn như bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dạy nghề, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, kỹ năng dạy học tích hợp trong đào tạo nghề... 

 
Khóa bồi dưỡng sư phạm cho các giáo viên nước Lào.

Đặc biệt, hiện khoa đã có 8 giáo viên có trình độ nghiệp vụ sư phạm nghề quốc tế. Đây là lợi thế rất tốt, để trong thời gian tới khi Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề quốc tế đi vào hoạt động thì trường sẽ là đơn vị đầu tiên của cả nước đủ điều kiện đào tạo giáo viên nghề có chứng chỉ sư phạm nghề quốc tế. Từ đó, sẽ từng bước tổ chức các khóa đào tạo nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề trên toàn quốc theo chuẩn quốc tế và chuẩn khu vực theo chiến lược phát triển dạy nghề của Chính phủ.

Để tận dụng được những lợi thế và cơ hội trong giai đoạn mới, cô giáo Phan Thị Tâm - Phó Trưởng khoa, phụ trách khoa Sư phạm kỹ thuật cho rằng: Xây dựng đội ngũ giảng viên là nhiệm vụ then chốt, trong đó chú trọng nâng cao nghiệp vụ sư phạm trình độ quốc tế (bậc 2), nâng cao trình độ lý luận chính trị, ngoại ngữ và các lớp kỹ năng mềm khác. Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sư phạm kỹ thuật. Đặc biệt hướng vào các đề tài ứng dụng như: Dạy học tích hợp trong đào tạo nghề, dạy học tín chỉ, phương pháp giảng dạy các môn kỹ thuật, kiểm tra - đánh giá trong các môn sư phạm kỹ thuật...
 
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển chương trình đào tạo sư phạm kỹ thuật theo chuẩn khu vực và quốc tế, tiến tới mở các lớp bồi dưỡng sư phạm nghề quốc tế cho giáo viên dạy nghề nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập hiện nay.
 
 
Mỹ Hà