(Baonghean.vn) - Bóng đá Thanh Hóa và Nghệ An như mặt trăng với mặt trời vậy. Có nhiều điểm tương đồng nhau, nhưng con đường phát triển thì lại có sự khác biệt. Khi đại diện xứ này lên, đại diện xứ kia xuống, cái đại diện xứ này thừa mứa đại diện xứ kia nhìn thấy mà thèm.

Sau khi đội CA Thanh Hóa xuống hạng và giải thể năm 1994, bóng đá xứ Thanh vắng mặt tại giải đấu cao nhất của BĐVN trong suốt hơn 1 thập kỷ. Phải tới năm 2007, Thanh Hóa mới có đại diện lên chơi ở V. League là Halida Thanh Hóa.  Nhưng cũng chỉ trụ lại được 2 mùa rồi phải trở về sân chơi hạng nhất. NHM xứ Thanh lại hướng con mắt vào “anh bạn hàng xóm” SLNA với sự thèm muốn, ao ước.

Như chết đuối vớ được cọc, năm 2009 nhờ việc Thể Công Viettel giải thể, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa quyết định tiếp nhận đội bóng này để thi đấu tại V. League 2010 dưới cái tên mới Lam Sơn Thanh Hóa. Dù rằng, quyết định của lãnh đạo tỉnh đã cứu bóng đá Thanh Hóa khỏi viễn cảnh chơi ở giải hạng nhất, nhưng ít nhiều vẫn khiến NHM xứ Thanh cảm thấy gợn buồn vì sự tồn tại của cái gọi là “hồn Trương Ba, da hàng thịt” ở Lam Sơn Thanh Hóa (tên Thanh Hóa nhưng nòng cốt là Viettel).

images1791268_94d6a4eca975c5__1_.jpgSLNA là đội giàu thành tích bậc nhất của BĐ Việt Nam. Ảnh: Internet.

Nhìn SLNA trong suốt hơn 2 thập kỷ vừa qua, NHM bóng đá xứ Thanh không khỏi chạnh lòng, thèm muốn. Từ năm này qua năm khác, trước những biến đổi phức tạp của bóng đá nước nhà, đội bóng xứ Nghệ vẫn đứng vững một cách hiên ngang.

Chính sức sống mãnh liệt của SLNA, mới là niềm tự hào của bóng đá Việt Nam. Bởi suy cho cùng, xây dựng một đội bóng vừa có danh hiệu vừa có tính bền vững là điều quá khó khăn trong thời buổi người ta thích “ăn xổi”, xem đội bóng là cơ hội để trục lợi, toan tính cá nhân hay “lợi ích nhóm”.

Trong khi, SLNA trở thành đội bóng thuộc hàng giàu thành tích nhất Việt Nam với 3 chức vô địch V. League, cùng rất nhiều danh hiệu khác ở cúp QG, siêu cúp QG , chức vô địch các lứa trẻ...thì bóng đá Thanh Hóa mới chỉ 2 lần được hưởng niềm vui của ngôi vương với chức vô địch siêu cúp QG 2010 (nhờ suất của Thể Công Viettel) và Nhi đồng toàn quốc 2016. So sánh về danh hiệu, đúng là 1 trời...1 vực.

Sau chức vô địch V. League 2011, SLNA không còn tham vọng lớn ở những giải đấu gần đây bởi khó khăn về tài chính. Cái nghèo vẫn cứ quẩn quanh đại bản doanh đội bóng xứ Nghệ.

Ngược lại, Thanh Hóa nổi lên như một “thiếu gia” với túi tiền rủng rỉnh từ Tập đoàn Lam Sơn và bây giờ là Tập đoàn FLC. Tuy nhiên, không vì thế mà người hâm mộ xứ Thanh hết “ghen tị”, thậm chí là ngưỡng mộ người láng giềng SLNA.

Tiền nhiều, đã biến sân Thanh Hóa trở thành “miền đất hứa” của các ngôi sao trong nước, lẫn các ngoại binh chất lượng cao. Trong những năm gần đây, cổ đổng viên xứ Thanh không thể nhớ hết có bao nhiêu cầu thủ đã đến khoác áo đội bóng con cưng của mình, rồi trên băng ghế huấn luyện có bao nhiêu chiến lược gia đến rồi đi trong thất vọng.

SLNA với nội binh 100% là cầu thủ tự đào tạo ra. Ảnh: Internet.

Tất nhiên, một đội bóng có tham vọng lớn thì luôn cần HLV giỏi và nhiều ngôi sao hàng đầu. Nhưng nó lại mang đến mặt trái không hề dễ chịu chút nào, là khiến cơ hội tỏa sáng của các cầu thủ địa phương nhỏ đi trông thấy. Dù BĐVN đang phát triển theo hướng chuyên nghiệp, chuyện một đội bóng có sự hiện diện của nhiều cầu thủ đến từ địa phương khác, quốc gia khác là hết sức bình thường.

Nói gì thì nói, những đội bóng có tính địa phương đậm đặc như SLNA, Thanh Hóa...thì vẫn khó chấp nhận điều đó. Vả lại, cứ nhìn những thay đổi trong kế hoạch phát triển của HN. T&T, B. Bình Dương ở mùa giải này là rõ. 2 đại gia lắm tiền nhiều của ở BĐVN, đang thể hiện cuộc cách mạng thực sự với mục tiêu “ưu tiên sử dụng cây nhà lá vườn”, đủ thấy, “tính địa phương” quan trọng như thế nào.

Hiện nay, ở FLC Thanh Hóa đa phần những vị trí trụ cột đều thuộc về “đội quân đánh thuê”. Không ngoa khi nói rằng, đội bóng xứ Thanh đang phải “thở nhờ” những buồng phổi từ nơi khác đến. “Chất Thanh Hóa” khá loãng dưới thời chiến lược gia Lê Thụy Hải, tiếp tục loãng thêm dưới thời tân HLV Petrovic.

Ngoài những cái tên đã chứng tỏ được khả năng ở mùa giải vừa qua như Van Bakel, Trần Đình Đồng, Ngô Hoàng Thịnh, Hoàng Văn Bình, Omar...thì những bản hợp đồng mới là Nguyễn Trọng Hoàng, Đinh Tiến Thành, Uche nhiều khả năng cũng chiếm 1 vị trí chính thức trong đội hình xuất phát. Tính sơ sơ, cũng 7 – 8 trụ cột không phải là người địa phương.

Nhìn vào thực trạng đó, NHM xứ Thanh không buồn lòng mới lạ. Trong quá khứ và hiện tại, Thanh Hóa vẫn luôn tự hào là nơi sản sinh ra rất nhiều cầu thủ tài năng, số lượng cầu thủ đá thuê cho những đội bóng khác cũng nhiều không đếm xuể. Vậy mà, đại diện duy nhất của bóng đá tỉnh nhà lại rơi vào tình cảnh “quân nhà thì phụ, mà quân khách thì chủ lực”. Liếc sang SLNA, thấy buồn hơn.

Đội hình ra sân trong 1 trận đấu của FLC Thanh Hóa tại V. League 2016. Ảnh: Internet.

Đội bóng xứ Nghệ từ trước đến nay vẫn luôn trung thành với “của nhà trồng được”. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, những tài năng của địa phương luôn được trọng dụng. Chưa bao giờ, SLNA xem nhẹ việc trao cơ hội cho những cầu thủ do mình đào tạo ra.

Điển hình trong 2 mùa giải 2015 – 2016, đội hình SLNA có 100% cầu thủ địa phương  và 2 tây. Đây rõ ràng là điều không riêng gì NHM xứ Thanh, mà toàn thể bóng đá Việt Nam phải thèm muốn.

Vẫn biết rằng, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, NHM xứ Nghệ hay NHM xứ Thanh có lí do để chạnh lòng, ghen tị khi nhìn sang đối phương, nhưng trên tất thảy vẫn là niềm tự hào rất lớn về đội bóng thân yêu của mình.

Trận derby Bắc Trung Bộ lần này, hi vọng là ngày hội của thứ bóng đá đẹp, điều mà những cổ động viên chân chính luôn hướng tới.

                                                                             Trâm Uyên

TIN LIÊN QUAN