(Baonghean) -Trong 2 ngày 21 và 22 tháng Giêng (tức là ngày 1 và 2/3/2013), Lễ hội Đền Cờn và khai trương mùa du lịch sẽ được tổ chức. Từ lâu, trong dân gian đã lưu truyền câu: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Nhiều năm qua, Lễ hội Đền Cờn đã thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương tham gia. Đây là một lễ hội mang nét văn hóa đặc sắc trong đời sống văn hóa, tâm linh của nhân dân vùng biển, là địa chỉ lựa chọn của đông đảo du khách thập phương mỗi dịp Xuân về.
Đền Cờn tọa lạc bên dòng Mai Giang hữu tình thơ mộng tại xã Quỳnh Phương - huyện Quỳnh Lưu, nơi có cửa lạch Cờn sầm uất của làng Phương Cần. Đền được xây dựng từ thế kỷ XIII đời nhà Trần và phát triển quy mô lớn ở thời Lê và được trùng tu nhiều lần dưới triều Nguyễn. Đền Cờn thờ Tứ vị Thánh nương linh hiển – người đã phù trợ nhà vua đánh thắng giặc ngoại bang nên được nhà vua ban cấp tiền bạc để xây dựng nên ngôi đền bề thế, uy nghiêm. Đền có phong cảnh hữu tình, kiến trúc đồ sộ, với nhiều mảng chạm khắc đề tài "Tứ linh tứ quý". Đền Cờn nổi tiếng là ngôi đền đẹp và linh thiêng nhất xứ Nghệ, được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Phía Nam cách đền Cờn khoảng hơn 8 km, tại chân núi phía Nam Hòn Ói có đền Quy Lĩnh (Quỳnh Lương) thờ vị sư, người đã cưu mang ba mẹ con Dương Thái Hậu. Cuối đời Trần, nhân dân Phương Cần rước bài vị của vị sư được thờ ở đền Quy Lĩnh về hợp tế môn tại đền Cờn gọi là đền “Tứ vị”, hàng năm đến ngày đại lễ có tục “Chạy Ói”.
Hội đua thuyền trong Lễ hội Đền Cờn năm 2012.
Ảnh: Trần Tố
Đền Cờn nổi tiếng không chỉ bởi vẻ đẹp kiến trúc nghệ thuật, phong cảnh hữu tình, mà nơi đây đã gắn với sự kiện lịch sử của dân tộc. Ngôi đền rất thiêng gắn công âm phù hai ông vua, hai bậc minh quân của hai triều đại Trần, Lê: vua Trần Anh Tông (năm 1312) và vua Lê Anh Tông (năm 1470).
Từ các triều đại phong kiến, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và ủng hộ của nhân dân, đến nay, đền Cờn được trùng tu tôn tạo ngày càng uy nghi đẹp đẽ. Với các vị thần được thờ, những sự kiện lịch sử, vị trí địa lý, phong thủy, cảnh quan, các giá trị khoa học, văn hóa, sự hài hòa về nghệ thuật kiến trúc hoà quyện vào nhau, tạo nên những giá trị văn hóa tâm linh của đền Cờn.
Đã nhiều năm qua, Lễ hội Đền Cờn đã trở thành nét sinh hoạt không thể thiếu của cư dân vùng biển Quỳnh Lưu, của người dân Nghệ An và du khách thập phương. Đến hẹn, Lễ hội Đền Cờn và khai trương du lịch năm 2013 được tổ chức trong 2 ngày 20 và 21 tháng Giêng năm Quý Tỵ, tức ngày 1 – 2/3. Lễ hội gồm 2 phần chính: Phần lễ và phần hội, gồm Lễ khai quang, Lễ Yết cáo, Lễ khai hội - Lễ mới, Lễ Cầu ngư, Lễ hợp tế, Lễ Yết vị, Lễ đại tế và Lễ tạ.
Về với Lễ hội Đền Cờn, du khách không những được thưởng thức các phần lễ trang nghiêm, thành kính thể hiện bản sắc của vùng Bãi Ngang ven biển Quỳnh Lưu, mà còn được hòa vào không khí tưng bừng lễ hội với những trò chơi dân gian, như đẩy gậy, cờ thẻ, cờ người, chọi gà, các môn thể thao có đua thuyền truyền thống, bóng chuyền, bóng đá. Văn hoá, văn nghệ cũng là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày chính lễ. Tại đây sẽ có các chương trình giao lưu văn nghệ, hát chầu văn, trích đoạn tuồng chèo, trưng bày triển lãm ảnh.
Điểm nhấn của phần hội Đền Cờn là hội bơi thuyền kéo dài từ 21 đến 24 tháng Giêng “21 bơi trai, 22 bơi cọc, 23 bơi giải vàng, 24 bơi giếng giá”, hội rước gỗ thần và đặc biệt là tục Chạy Ói - nét đặc trưng độc đáo của Lễ hội Đền Cờn. Lễ rước gỗ thần diễn ra trong đêm và cả ngày 21, nhưng dân làng đã chuẩn bị từ ngày 16 đến 20 tháng Giêng. Vì đây là hội rước cả đường thủy và đường bộ, lực lượng tham gia là cả 4 giáp, gồm cả nam và nữ; không gian kéo dài từ xã Quỳnh Phương qua các xã Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng và điểm đến là đền Quy Lĩnh xã Quỳnh Lương, quãng đường rước gần 10 km đã cuốn hút nhân dân cả vùng tham gia.
Ngoài ra, về với lễ hội, du khách còn được tham quan các điểm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn đã được Nhà nước xếp hạng như: Làng văn hoá Quỳnh Đôi, 1 trong 2 làng khoa bảng hàng đầu cả nước (Bắc Hà - Hành Thiện, Hoan Diễn - Quỳnh Đôi) với quần thể các di tích: nhà thờ họ Hồ, họ Nguyễn, họ Hoàng, nhà thờ - khu lăng mộ cụ Hồ Tùng Mậu- người chiến sỹ cách mạng lỗi lạc, người học trò thân tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bia nữ sỹ, bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương... Bên cạnh đó, du khách còn có dịp thưởng ngoạn vẻ đẹp của những bãi biển trong xanh, độ mặn phù hợp với tắm biển và nghỉ dưỡng, như: biển Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Quỳnh Bảng, Quỳnh Liên, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lương… Ngược dòng Mai Giang theo đường thuỷ, du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp “sơn thuỷ hữu tình” của công trình Hồ Vực Mấu với trữ lượng trên 72 triệu m3 nước được đầu tư công phu, hiện đại, được bao bọc bởi thung lũng đồi cao, quanh năm xanh mướt.
Để đảm bảo cho lễ hội năm nay diễn ra tốt đẹp, để lại ấn tượng trong lòng du khách, Ban tổ chức đã chuẩn bị chu đáo tất cả các khâu. Đặc biệt, công tác an ninh trật tự được siết chặt, đảm bảo không để xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, nhất là các các tệ nạn mê tín dị đoan, cờ bạc, nạn ăn xin... làm mất đi vẻ văn minh, lịch sự và không khí linh thiêng của lễ hội.
Trao đổi với chúng tôi về Lễ hội Đền Cờn năm 2013, đồng chí Hồ Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Xác định việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn liền với phát triển du lịch, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quỳnh Lưu đã quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, quy hoạch, phát triển hệ thống hạ tầng và các điểm du lịch quan trọng trên địa bàn. Hiện tại, toàn huyện có trên 20 khách sạn, nhà nghỉ; 5 khách sạn được xếp hạng sao đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ của du khách trong những ngày diễn ra lễ hội và cho cả mùa du lịch. Để Lễ hội Đền Cờn có sức lan tỏa mạnh mẽ và để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách, hiện nay UBND huyện đã kiện toàn lại Ban quản lý đền do UBND huyện trực tiếp chỉ đạo. Huyện đã và đang tập trung khôi phục lại một số hoạt động trong lễ hội mang tính truyền thống như tục Chạy Ói; tăng cường các hoạt động văn hóa văn nghệ mang nét đặc thù của vùng biển như lễ hội đua thuyền, lễ hội cầu ngư; tiếp tục nâng chất lượng các chương trình nghi lễ trong lễ hội và khôi phục phát triển các trò chơi dân gian. Tiếp tục nâng cao vai trò Ban quản lý đền trong các hoạt động tại lễ hội; quan tâm thu hút nguồn lực đầu tư nâng cấp, tu bổ cơ sở vật chất đền, đồng thời tăng cường quảng bá tuyên truyền về du lịch biển Quỳnh, trong đó có Lễ hội Đền Cờn. Về kế hoạch lâu dài, ngoài việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng du lịch, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị du lịch để kết nối các tour, tuyến du lịch trong toàn tỉnh, với các loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch biển, nhằm phát huy thế mạnh của một huyện có 34 km bờ biển, góp phần đưa du lịch phát triển, trở thành một ngành kinh tế quan trọng của huyện địa đầu xứ Nghệ.