Sáng 6/12, tại thành phố Vinh, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Hội An toàn giao thông Việt Nam, Hiệp hội Các doanh nghiệp rượu Châu Á - Thái Bình Dương (APIWSA) và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) tổ chức Hội thảo “Công bố kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam”.
Theo tổ chức Y tế thế giới, năm 2012 ở Việt Nam có khoảng 36% người điều khiển xe máy bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Còn theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia trong năm 2016, gần 40% các vụ tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông có uống rượu, bia.
Tại Nghệ An, năm 2019 (từ 16/12/2018 đến 15/11/2019) toàn tỉnh xảy ra 272 vụ tai nạn giao thông, làm chết 161 người, bị thương 188 người. Trong đó, có 2 vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện trong hơi thở có nồng độ cồn.
Các lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản 9.761 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chuyển Kho bạc Nhà nước thu phạt trên 20 tỷ đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 9.762 trường hợp.
Mặc dù công tác tuần tra xử phạt, tuyên truyền, khuyến khích các dịch vụ lái xe đưa người uống bia, rượu về nhà đã và đang được thực hiện nhưng tình hình uống rượu, bia lái xe vẫn phổ biến, khiến tình hình tai nạn giao thông do hành vi này gây ra vẫn còn diễn biến phức tạp. Thực tiễn này đòi hỏi phải thực hiện một nghiên cứu toàn diện về hành vi này để làm cơ sở khoa học xây dựng các giải pháp và chính sách có hiệu quả.
Từ tháng 5/2018 đến tháng 12/2018, một đề tài nghiên cứu đã thực hiện đối với người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Hà Nội. Nhóm nghiên cứu xác định mối tương quan giữa thói quen uống rượu, bia và tai nạn giao thông; xác định mối quan hệ nồng độ cồn trong máu và xác suất xảy ra tai nạn giao thông đối với người điều khiển mô tô, xe máy.
Qua nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp: Áp dụng mức 0 nồng độ cồn trong máu đối với người điều khiển xe máy; tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên; tăng mức phạt tiền và bổ sung các hình phạt mới. Tuyên truyền qua các nạn nhân từng bị tai nạn giao thông do uống rượu, bia; dán poster cảnh báo tại các sơ sở phục vụ rượu, bia; tăng cường cảnh báo tới người thân và gia đình…
Cùng đó, tăng cường dịch vụ taxi đưa người uống rượu, bia về nhà an toàn; khuyến khích sản xuất và tiêu thụ đồ uống có nồng độ cồn thấp hoặc không cồn; ứng dụng các phần mềm cảnh báo nồng độ cồn trên điện thoại thông minh…
Hội thảo “Công bố kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam” nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của nồng độ cồn tới mức độ an toàn của người điều khiển trong điều kiện Việt Nam, góp phần hỗ trợ cho quá trình xây dựng các chính sách nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam.