Hôm nay 8-12, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kéo dài 2 ngày khai mạc tại Brussels (Bỉ) để tìm sự đồng thuận về các đề xuất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực sử dụng đồng EUR (eurozone).

Tại hội nghị, dự kiến lãnh đạo 2 nước Pháp và Đức sẽ đề xuất sửa đổi Hiệp ước châu Âu nhằm siết chặt các quy tắc về quản lý thâm hụt ngân sách và kêu gọi toàn bộ 27 nước thành viên EU ủng hộ. Tuy nhiên, theo giới quan sát, triển vọng 27 nước tự nguyện tham gia hiệp ước sửa đổi mới khó có thể trở thành hiện thực.

770868_small_68902.jpg

Ngày 7-12, thị trường chứng khoán toàn cầu và đồng EUR tăng điểm trước cuộc họp thượng đỉnh EU.

Củng cố kỷ luật ngân sách
 
Ngày 7-12, một ngày sau khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel công bố đề xuất sửa đổi Hiệp ước châu Âu nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn về ngân sách của những quốc gia thành viên, thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt chuyển sắc xanh. Kế hoạch trên là một trong những nỗ lực giải quyết khủng hoảng nợ công châu Âu, bao gồm các biện pháp trừng phạt ngay các nền kinh tế trong khu vực eurozone chi tiêu quá nhiều dẫn đến thâm hụt ngân sách.
 
Đề xuất nêu rõ, các thành viên EU sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc nếu để thâm hụt ngân sách vượt quá mức tương đương 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo AFP, đề xuất còn muốn bắt buộc một số quốc gia thành viên thể hiện cam kết cân bằng tài chính công trong hiến pháp và luật. Tòa án Công lý châu Âu sẽ là cơ quan có thẩm quyền xác định xem các quốc gia có tuân thủ quy định của hiệp ước hay không.
 
Hai nhà lãnh đạo tuyên bố đây là hành động cứng rắn để khôi phục lại lòng tin vào đồng EUR và khu vực eurozone đồng thời khuyến khích các nước EU ngoài eurozone tham gia tự nguyện nhằm siết chặt các quy tắc về quản lý thâm hụt ngân sách.
 
Chưa có lộ trình rõ ràng
 
Tuy nhiên, Thủ tướng Pháp Francois Fillion cho rằng đề xuất về hiệp ước mới của Liên minh châu Âu nhằm cứu vãn đồng EUR do Đức-Pháp khởi xướng nhiều khả năng sẽ chỉ được 17 nước trong khu vực eurozone chứ không phải cả 27 nước thành viên EU nhất trí. Ông nói: “Chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện tại Hội đồng châu Âu vào ngày 9-12 và nếu không đạt được sự đồng thuận, chúng tôi sẽ tiến hành với 17 nước vào tháng 3-2012”.
 
Mặc dù Thủ tướng Đức Merkel hứa có “những bước đi cụ thể để tiến tới một liên minh tài chính” nhưng theo các nhà phân tích, đề xuất trên vẫn không đủ sức thuyết phục vì chưa đưa ra được lộ trình rõ ràng về làm thế nào để các nền kinh tế eurozone tăng trưởng trở lại. Nhiều nhà phân tích cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nên can thiệp vào thị trường nợ để giảm chi phí đi vay của các nước đang gặp khó khăn hoặc ECB nên phát hành trái phiếu chung của 17 nước eurozone.
 
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh tổ chức xếp hạng tín nhiệm tín dụng Standard & Poor’s (S&P) cảnh báo sẽ hạ bậc tín nhiệm của một loạt nước Eurozone - một hành động chưa có tiền lệ. Nếu EU không có hành động mạnh mẽ trong cuộc họp thượng đỉnh lần này, các quốc gia đang được xếp hạng tín nhiệm AAA như: Đức, Áo, Phần Lan, Hà Lan, Luxemberg và Bỉ (hạng AA-) sẽ bị hạ một bậc tín nhiệm. Pháp (hạng AAA) và 8 nước còn lại có thể bị hạ hai bậc. Khi đó, theo Chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu Jacques Attali nhận định với tờ Bloomburg, khả năng sống sót của đồng EUR trước Giáng sinh 2011 là 50-50, nếu châu Âu không đưa ra được các biện pháp ngăn chặn khủng hoảng lan rộng.
 
Giới đầu tư đang kỳ vọng những lời cảnh báo trên sẽ buộc giới lãnh đạo châu Âu lần này đưa ra những biện pháp thuyết phục hơn trong việc giải quyết khủng hoảng nợ của khu vực.


Theo SGGP