Trong dự thảo luật Dân số, Bộ Y tế trình 2 phương án để điều chỉnh mức sinh, trong đó phương án 1 cho phép các cặp vợ chồng được quyết định có trách nhiệm về số con. Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, nhiều người đang hiểu lầm rằng các cặp vợ chồng sẽ được sinh con thoải mái.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), với nội dung phương án 1 như trên, nhiều người hiểu lầm cho rằng chính sách dân số được nới lỏng, các cặp vợ chồng được sinh con thoải mái. “Nhưng nếu hiểu như vậy là chưa đúng”, ông Quang khẳng định.
Ông Quang cho biết, trong dự thảo trình Quốc hội sắp tới, trong hai phương án (phương án 1 là các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con; Phương án 2: Tiếp tục quy định như hiện hành để các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền và nghĩa vụ quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian và khoảng cách sinh con. Sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định), Bộ Y tế ủng hộ phương án nới lỏng chính sách sinh con nhưng không đồng nghĩa các cặp vợ chồng được sinh thoải mái.
“Khi trình 2 phương án, Bộ Y tế đã tính toán đến ưu điểm, hạn chế cho thấy phương án một có nhiều ưu điểm hơn chứ chưa khẳng định”, ông Quang nói.
Theo đó, phương án 1 có 4 ưu điểm gồm: đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền sinh sản nhưng lại hạn chế nguy cơ bùng nổ dân số trở lại và chưa có căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm sinh nhiều con; Phù hợp với các công ước quốc tế Việt Nam đã ký kết; Đúng bản chất công tác dân số, coi đây cuộc vận động lớn toàn dân, có chính sách khuyến khích vật chất và tinh thần, đảm bảo nhân lực cho phát triển; Phù hợp với tình hình thực tế khi mức sinh ngày càng giảm.
“Phương án 1 rất linh hoạt, mềm dẻo. Dù các cặp vợ chồng được quyết định số con, nhưng nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con. Hơn nữa mỗi giai đoạn từng địa phương lại có quy định chính sách để duy trì mức sinh thay thế, không phải tuỳ tiện sinh 3 - 4 con mà cần giảm sinh ở những tỉnh có mức sinh cao, khuyến khích sinh ở những nơi sinh ít để kéo dài được giai đoạn dân số vàng”, ông Quang phân tích.
Ông Quang cho biết thêm, mức sinh thay thế giai đoạn 1965-1969, số con trung bình của của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 6,8 con thì đến năm 2005, chỉ còn 2,1 con và được giữ vững cho đến nay.
Nhờ vậy, dân số tăng chậm lại nhưng sẽ đạt 100 triệu dân vào năm 2025 và tiếp tục tăng chậm lên đến khoảng 106-107 triệu vào giữa thế kỷ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước đông dân thứ 3 ở Đông Nam Á, thứ 8 ở châu Á và thứ 14 trên thế giới. Mật độ dân số đạt 274 người/km2, cao gấp hơn 5 lần mật độ dân số thế giới (53 người/km2).
Từ năm 2006, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu “vàng”, dự báo kéo dài khoảng 40 năm nhưng cũng đã bước vào giai đoạn “già hoá dân số” từ năm 2012, khi tỷ lệ những người từ 60 tuổi trở lên đạt 10% tổng dân số và sẽ trở thành nước có “dân số già” vào khoảng năm 2032, khi tỷ lệ này chạm “ngưỡng” 20%.
Vì thế, chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trước đây chỉ tập trung vào nội dung là Kế hoạch hóa gia đình với mục tiêu giảm sinh thì nay, chính sách dân số mới với nhiều nội dung hơn, tức là với phạm vi rộng lớn hơn nhiều, điều chỉnh linh hoạt hơn để tăng chất lượng dân số, duy trì cơ cấu dân số vàng kéo dài nhất; ứng xử với nguy cơ già hoá dân số sớm, chênh lệch giới tính… để tận dụng cơ cấu dân số vàng phát triển kinh tế - xã hội./.
Theo Dantri