Sự cần thiết

Trong số 512 công trình nước sạch nông thôn ở Nghệ An thì có 28 công trình cấp nước do 24 đơn vị quản lý đang thực hiện thu tiền nước. Ngoài ra có 457 công trình nước tự chảy, trong đó chỉ có 5 công trình có chủ thể quản lý, vận hành, khai thác tổ chức thu tiền. 452 công trình còn lại hình thức quản lý chủ yếu là trông nom công trình và người dân không phải trả tiền nước.

Chính vì vậy, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt không có hiệu quả lâu dài do ý thức bảo quản của người dân còn hạn chế. Người dân tự ý sử dụng nguồn nước một cách lãng phí, chưa có ý thức đóng góp kinh phí mà trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước nên nhiều công trình không được bảo dưỡng, duy tu một cách kịp thời.

bna_nuoc17740224_242019.jpgHệ thống công trình nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt cộng đồng tại xã Châu Tiến (Quỳ Châu) bỏ hoang 7- 8 năm nay. Ảnh: PV

Hiện nay, đơn vị tổ chức quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Nghệ An chủ yếu gồm: UBND các xã, trạm thủy nông, các công ty, hợp tác xã, trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh (là đơn vị sự nghiệp có thu).

Đối với các công trình cấp nước bơm dẫn động lực và nối mạng giá nước sạch nông thôn chủ yếu là giá thỏa thuận giữa người dân và địa phương dựa trên cơ sở khung giá tại quyết định giá nước sạch trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, qua số liệu báo cáo của các huyện, thành, thị cho thấy, tại một số địa phương, giá nước đến tay người sử dụng tương đối cao do việc quản lý công trình cấp nước chưa hiệu quả, việc hao hụt, thất thoát nguồn nước tương đối lớn.

Bể nước tự chảy ở bản Liên Đình, xã Chi Khê (Con Cuông) hoạt động hiệu quả. Ảnh: Bá Hậu

Theo quy định tại Điều 54, Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch thì UBND tỉnh phê duyệt phương án giá nước và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn do mình quản lý, phù hợp với khung giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa có quyết định quy định về giá tiêu thụ nước sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Để giá tiêu thụ nước sạch khu vực nông thôn đảm bảo các nguyên tắc tính đúng, tính đủ theo các quy định hiện hành; đảm bảo chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng bền vững các công trình, phù hợp khả năng chi trả của người dân và thực hiện nghĩa vụ theo các quy định hiện hành trong điều kiện ngân sách còn nhiều hạn chế thì việc ban hành quyết định quy định giá tiêu thụ nước sạch khu vực nông thôn là hết sức cần thiết.

Ông Trần Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Tài chính

UBND cấp tỉnh là cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án giá nước sạch do đơn vị cấp nước trình và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt cụ thể trên địa bàn của tỉnh phù hợp với khung giá do Bộ Tài chính ban hành. Tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã nhất trí thông qua quyết định quy định giá tiêu thụ nước sạch khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

(Ảnh lớn) Hạng mục bể nước xây dựng trong Khu tái định cư Piêng Luống, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp chưa sử dụng đã hư hỏng. Ảnh: Hường Thu; (Ảnh nhỏ) Người dân tộc Thái ở các bản Cao Vều xã Phúc Sơn (Anh Sơn) làm hệ thống nước tự chảy phục vụ sinh hoạt. Ảnh: Huyền Trang
 Mức giá tiêu thụ nước sạch

Theo tờ trình của Sở Tài chính, giá nước sạch nông thôn trên địa bàn Nghệ An cụ thể như sau: Giá tiêu thụ nước sạch của các công trình cấp nước dạng tự chảy tại công trình cấp nước Làng Nhùng, Khe Bố (xã Tam Quang), Cây Me (xã Thạch Giám), bản Mon (xã Thạch Giám), xã Tam Thái của huyện Tương Dương và Công trình cấp nước xã Chi Khê (huyện Con Cuông) cung cấp là 2.500 đồng/m3. Mức giá này đã bao gồm thuế VAT, chi phí dịch vụ bảo vệ môi trường rừng (52 đồng/m3), chưa bao gồm phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt theo quy định và chi phí khấu hao.

Người dân bản Cây Me, xã Thạch Giám phấn khởi khi chủ động được nguồn nước sinh hoạt cho gia đình. Ảnh: May Huyền

Trong khi đó, giá tiêu thụ nước sạch của các công trình cấp nước dạng bơm dẫn động lực cung cấp tại công trình cấp nước xã Nghĩa Đồng (huyện Tân Kỳ); các xã Minh Kính, Minh Hợp, Tam Hợp, Nghĩa Xuân (huyện Quỳ Hợp) là 6.500 đồng/m3. Mức giá này đã bao gồm thuế VAT, chi phí dịch vụ bảo vệ môi trường rừng (52 đồng/m3) và chi phí khấu hao tài sản cố định là 500 đồng/m3; chưa bao gồm phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt theo quy định.

Đối với các công trình cấp nước dạng bơm dẫn động lực cung cấp tại công trình cấp nước các xã Bảo Thành, Đồng Thành, Hồng Thành, Hợp Thành, Nhân Thành, Thọ Thành, Sơn Thành (huyện Yên Thành); các xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Thanh, Quỳnh Thạch (huyện Quỳnh Lưu); các xã Diễn Thái, Diễn Đồng, Diễn Nguyên (huyện Diễn Châu); xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc); công trình cấp nước sạch tập trung ở các xã Hưng Thắng, Hưng Phúc, Hưng Tân, Long Thành, Diễn Yên do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn quản lý là 7.000 đồng/m3.

Bà con xã Nam Thành (Yên Thành) chưa có nước máy. Ảnh: Văn Trường

Mức giá này đã bao gồm thuế VAT, chi phí dịch vụ bảo vệ môi trường rừng là 52 đồng/m3 và chi phí khấu hao tài sản cố định là 1.000 đồng/m3; chưa bao gồm phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt theo quy định.

Ngoài ra, chi phí nước thô đầu vào được cơ cấu trong giá tiêu thụ sản phẩm nước sạch tại Khoản 2, 3 điều này đối với các công trình sử dụng nguồn nước thô từ các công trình thủy lợi là 900 đồng/m3.

Đề xuất giảm giá tiêu thụ nước sạch tại khu vực đô thị của nhiều huyện

(Baonghean.vn) - Sáng 15/2, đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với các Sở, ngành, đơn vị liên quan để nghe và cho ý kiến về các nội dung dự thảo Quyết định quy định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị và giá tiêu thụ nước sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn Nghệ An.