Để phục vụ thu hút khách du lịch và gây ấn tượng cho du khách, ngoài việc nâng cao chất lượng các dịch vụ thì một yếu tố rất quan trọng đó là trải nghiệm các món ẩm thực truyền thống, đặc trưng của vùng, miền cũng sẽ nâng cao và gia tăng giá trị của chuyến du lịch. Vì thế rất cần phát triển văn hóa ẩm thực của xứ Nghệ để trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng.
Nâng tầm giá trị ẩm thực xứ Nghệ
Miền đất núi Hồng, sông Lam từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất đầy khắc nghiệt, vì vậy con người ở đây đã sớm tạo cho mình bản lĩnh và tính cách riêng. Trong văn hóa ẩm thực cũng có những đặc trưng riêng mang đậm phong cách của con người xứ Nghệ.
Người miền Trung chất phác, cần cù lại nổi tiếng bởi chính những món ăn dân dã hàng ngày. Đó là đĩa nhút, chén tương những loại rau, củ, vật phẩm hết sức bình thường, nơi nào cũng có nhưng ở miền Trung mà tiêu biểu là Nghệ An lại nổi lên như một đặc trưng, để rồi ai đã từng đến đây, gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây mới cảm nhận được nét đặc sắc trong ẩm thực của người dân xứ Nghệ.
Không hoa văn, màu mè, cầu kỳ trong chế biến các món ăn mà chủ yếu chân chất, như chính những người dân cần cù, lam lũ nơi đây. Những món nổi tiếng nhất ở xứ Nghệ lại là những món bình dị nhất như nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, lươn, me (bê), dê, bánh đa, bánh gai, bánh mướt… và nhiều món đặc sản của núi rừng miền Tây xứ Nghệ.
Qua năm tháng, từ những nguyên liệu dân dã nhưng với những gia vị đặc trưng của vùng đất này đã tạo nên những món ngon khiến thực khách một lần được nếm là nhớ mãi không thể nào quên. Có những món ăn đã “níu chân” du khách quay lại với Nghệ An lần thứ 2 và nhiều lần nữa. Vì thế ẩm thực Nghệ An đã và đang khẳng định được vị trí trong lòng thực khách.
Như món lươn đã được Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận là 1 trong 12 món ăn Việt Nam đạt kỷ lục châu Á và Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Ngoài ra, các món lươn của Nghệ An đã có mặt tại hầu hết các quán ăn, nhà hàng trên cả nước.
Đặc biệt, năm 2018 món lươn Nghệ An đã có mặt tại hệ thống khách sạn 5 sao tại thành phố Hồ Chí Minh. Món tương Nam Đàn cũng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận Top 10 đặc sản nước chấm và gia vị nổi tiếng Việt Nam.
Ngoài ra, còn có các món như mực nháy Cửa Lò cũng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận Top 10 đặc sản hải sản nổi tiếng Việt Nam do độ mặn nước biển vừa phải nên tạo cho các món hải sản của các vùng biển Nghệ An ngon, ngọt hơn các vùng biển khác.
Đối với các loài trái cây thì vùng đất Nghệ An được thiên nhiên ban tặng thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp nên đã có nhiều loài trái ngon, quả ngọt như: cam Vinh, xoài Tương Dương, dứa Quỳnh Lưu, ổi Nghĩa Đàn, chanh leo Quế Phong… trong đó cam Vinh được Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam.
Để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh và bền vững, việc xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn du khách thì du lịch kết hợp trải nghiệm ẩm thực rất đáng để các ngành trong đó có ngành Du lịch quan tâm nghiên cứu. Mặc dù ẩm thực thuộc phạm trù văn hóa, song do đặc tính và hữu ích của nó nên cần đưa ẩm thực vào các hoạt động du lịch, nhất là ẩm thực Nghệ An rất ngon, rất đặc trưng. Để đưa ẩm thực Nghệ An trở thành một loại hình du lịch, cũng như có định hướng phát triển rõ ràng, cần phải có sự chung tay của các cơ quan, ban, ngành.
Nên tổ chức các lễ hội ẩm thực
Ngoài việc để các du khách tự do khám phá, trải nghiệm các món ẩm thực đặc trưng của Nghệ An trong các chuyến du lịch, thì Nghệ An cần tìm các giải pháp nhằm đưa các món đặc sản trở thành những tinh hoa ẩm thực được chế biến bởi những bàn tay của các nghệ nhân hay đầu bếp chuyên nghiệp.
Để phát triển du lịch ẩm thực, cần đào tạo người nấu ăn giỏi. Cùng một chuỗi dịch vụ du lịch, nhưng không tập trung vào mảng ẩm thực thì cũng trở thành điểm trừ trong mắt du khách. Nếu phát triển du lịch mà không tôn vinh ẩm thực thì thiếu sự hấp dẫn. Vì vậy, cần tạo ra các món ăn hấp dẫn nhất để thu hút khách, quảng bá tốt hơn, gắn với thương hiệu của địa phương để nhắc tới món lươn hay món giò bê, tương Nam Đàn, nhút Thanh Chương, bánh gai Anh Sơn… là biết của Nghệ An.
Để nâng tầm giá trị ẩm thực Nghệ An, ngành Du lịch cũng đã chủ động tổ chức các cuộc thi chế biến món ăn trong hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh, tổ chức các Liên hoan văn hóa ẩm thực quốc tế Nghệ An, Liên hoan văn hóa ẩm thực Bắc Trung bộ để các đầu bếp có cơ hội học hỏi, giao lưu nâng cao kỹ năng trong hoạt động chế biến món ăn và là cơ hội để quảng bá, giới thiệu rộng rãi các món ẩm thực Nghệ An đến với đông đảo du khách thập phương. Thông qua các Liên hoan ẩm thực, các món ăn và đặc sản là yếu tố chính có giá trị lớn và thể hiện bản sắc của vùng đó.
Trong bối cảnh hiện nay, ẩm thực đang ngày càng trở nên quan trọng trong chuyến du lịch, thì các món ăn tại điểm đến, hay các món ẩm thực, đặc sản địa phương được tập hợp nâng tầm giới thiệu trong các Liên hoan hay Lễ hội ẩm thực rất được du khách quan tâm. Mục đích của thực khách là trải nghiệm các món ăn đặc sắc và tìm kiếm sự mới, lạ, đặc trưng và thưởng thức các món ẩm thực trong những không gian mang màu sắc Lễ hội.
Vì vậy để nâng tầm giá trị và phát triển văn hóa ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách tham gia trải nghiệm, các ngành, các địa phương cần phối hợp với ngành Du lịch quan tâm nghiên cứu những nội dung sau để tham mưu tổ chức tốt các Lễ hội ẩm thực.
Đầu tiên, với mong muốn trải nghiệm sự mới lạ, đặc sắc ẩm thực của thực khách sẽ có tác động tích cực đến hành vi của họ. Do đó, một giải pháp tốt là bảo tồn và phát triển văn hóa ẩm thực riêng biệt để thu hút du khách và khuyến khích họ quay lại khám phá.
Khi du khách đã “kết” các món ẩm thực của xứ Nghệ và một lần ghé tham gia Lễ hội ẩm thực tại Nghệ An, họ sẽ muốn quay lại khi họ cảm nhận được sự dễ chịu, thú vị, đặc sắc của các món ẩm thực – “linh hồn” của Lễ hội ẩm thực. Vì vậy, các nhà quản lý phải tập trung vào việc phát triển các chương trình trong khuôn khổ lễ hội gắn kết được với thực khách, ngoài thưởng thức các món ẩm thực cần tạo cho thực khách được trải nghiệm vào quy trình chế chế biến các món đặc sản.
Thông tin tích cực về Lễ hội ẩm thực hay các món ẩm thực địa phương của những nhóm người thân thiết với thực khách như gia đình, bạn bè và hàng xóm sẽ tác động đáng kể đến du khách về việc họ có muốn du lịch đến địa phương, hay tham gia lễ hội ẩm thực hay không. Như vậy, việc quảng bá tích cực trên các trang mạng xã hội như blog, Twitter, facebook cho những người thân thiết với khách du lịch sẽ là rất quan trọng.
Việc du khách quay lại với các món ẩm thực, hay các Lễ hội ẩm thực cũng phụ thuộc vào các yếu tố bên trong của họ, chẳng hạn như nhu cầu cá nhân, tình trạng sức khỏe hoặc các yếu tố bên ngoài như tiền bạc và thời gian. Nắm được điều này thì các nhà quản lý sẽ có những biện pháp tác động đúng và trúng.
Khi du khách có ý tưởng muốn quay lại địa phương vì các món ẩm thực đặc trưng thì họ mới có động lực biến nó thành hành động. Để thu hút được lượng khách này thì các lễ hội ẩm thực phải có chiến lược thu hút du khách.
Cuối cùng, để phát triển ngành Du lịch ẩm thực thì các cấp, các ngành phải có chiến lược phù hợp để thu hút và tác động để du khách tích cực tham gia các lễ hội ẩm thực. Các du khách ngày càng quan tâm đến việc trải nghiệm những nét độc đáo trong món ăn, trải nghiệm ẩm thực được chế biến tại địa phương hoặc nấu theo công thức riêng của các vùng miền.
Trong chuỗi dịch vụ thì ẩm thực đóng vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển của du lịch. Do đó, cần có giải pháp để nâng tầm và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực gắn với du lịch bền vững, phục vụ du lịch.