Vào những năm cuối 90 đầu năm 2000, chắc chúng ta còn nhớ, đã có rất nhiều trận, hàng vạn khán giả đội nắng, dầm mưa đi từ 11h trưa để cố được vào sân xem SLNA thi đấu buổi chiều. Nhiều trận lắm, hàng ngàn người phải ở ngoài sân để nghe tiếng reo hò trong sân. Trận ấy, SLNA gặp Đồng Tháp, cả vạn người ngoài sân tìm mọi cách để nhìn cho được SLNA dù chỉ là hình bóng của họ trên sân, đến nỗi hàng trăm người trèo trên nóc nhà tập ngó vào làm sập luôn nhà… Những năm tháng ấy, bóng đá đúng là ngày hội của toàn dân.
Vậy điều gì đã lôi cuốn khán giả đến sân, điều gì đã tạo nên “Chảo lửa sân Vinh” mà đội nào đến sân Vinh chỉ mong kiếm được 1 điểm là sung sướng lắm rồi? Đó phải chăng, xuất phát từ tinh thần thi đấu hết mình của cầu thủ SLNA, từ màu cờ, sắc áo và từ niềm tự hào quê hương, xứ sở.
Còn nhớ, năm 1993, khi tái thành lập Sở Thể dục - Thể thao, Sở đã quyết định giải tán lớp năng khiếu bóng đá tại Trung tâm Đào tạo VĐV tỉnh, nhập với đội bóng đá Sông Lam thành Đoàn bóng đá SLNA, có con dấu và tài khoản riêng. Về tổ chức, cử ông Nguyễn Hồng Thanh làm trưởng đoàn, ông Nguyễn Thành Vinh làm phó đoàn kiêm HLV trưởng. Công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên được quan tâm hàng đầu. Tôi còn nhớ, có dịp, để khích lệ tư tưởng và tinh thần cầu thủ trước khi bước vào giải, tại Nha Trang đã làm lễ kết nạp 5 đảng viên mới.
Trong sân thi đấu lúc nào cũng có cầu thủ là đảng viên cả 3 tuyến như: Hàng hậu vệ có Quang Hải, Đình Nghĩa, hàng tiền vệ, tiền đạo có Quang Bảo, Quang Trường, Kỳ Phương, Đình Dũng… Vậy nên, họ ra sân thi đấu luôn hết mình với tinh thần và trách nhiệm với dân. Do đó, người hâm mộ dành cho Sông Lam là “Cả một trời yêu, “Sông Lam niềm tự hào của người dân xứ Nghệ” có danh từ những ngày ấy.
Đến năm 2004, sau khi lên chuyên nghiệp được 3 năm, do nhiều vấn đề về tư tưởng và tác phong sinh hoạt, đồng thời nhiều tiêu cực xảy ra đối với SLNA. Do đó, tỉnh đã quyết định mở cuộc “Đại phẫu” giao cho Sở TD-TT tiến hành. Quan điểm cải tổ được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lúc đó nêu 4 câu ngắn gọn:
“Đá trung thực cho dân tin.
Đá tận tụy cho dân thương.
Đá thắng cho dân vui.
Đá đẹp cho dân sướng”.
Ngày nay, SLNA cũng đang bước vào cuộc cải tổ mới, khó khăn, khốc liệt hơn. Đặc biệt, đội bóng đang đứng cuối bảng trong khi ngoại binh yếu kém, tre già nhưng măng hãy còn non... Trong bối cảnh này, những quan điểm của vị Bí thư Tỉnh ủy ngày xưa về SLNA vẫn hãy còn nguyên giá trị.
Nội dung bao hàm của quan điểm ấy là “Tất cả vì dân, cho dân”. Tôi xin được nêu lại để những người làm bóng đá Nghệ An suy ngẫm, nhằm đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, xây dựng SLNA mãi mãi là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ.
Đá trung thực cho dân tin:Mất niềm tin là mất tất cả. Vậy làm thế nào để dân tin? Chúng ta hãy nghĩ, nếu trước khi vào sân mà kết quả đã được “lộ” thì ai muốn đến xem nữa?. Dạo ấy xuất hiện những câu ca như: “Hoan hô đội bóng Sông Lam, đi làm kinh tế phía Nam trở về”… Điều mong muốn của khán giả vào sân là được xem SLNA thi đấu trung thực, hết mình. Thi đấu sòng phẳng mới tạo nên nhiều kịch tính, bất ngờ đó mới là bóng đá, bóng đá được xem là môn thể thao vua là vậy đó. Thi đấu trung thực, sòng phẳng, không móc ngoặc, nhường điểm… dẫu có thua hay hòa thì khán giả vẫn thương. Có như vậy mới thu hút, kéo khán giả đến sân động viên, cổ vũ hết mình, khi đó sân khách hay sân nhà cũng là chảo lửa cho SLNA giành chiến thắng.
Đá tận tụy cho dân thương:Trong tập luyện và thi đấu, cầu thủ lúc nào cũng cháy bỏng nhiệt tình, xả thân trong tập luyện và thi đấu. Cần cù, siêng năng là đức tính của con người xứ Nghệ. Xem một trận đấu mà cầu thủ xả thân trong từng pha bóng, trong tranh cướp bóng, cứu một bàn thua, gắng hết sức để theo đuổi đến cùng một pha bóng khi chưa có tiếng còi của trọng tài… mồ hôi ướt đẫm sau buổi tập, sau trận đấu, là thể hiện sự tận tụy mẫu mực hết mình của cầu thủ. Nhìn mồ hôi chảy thành dòng, băng quấn trên mình vẫn thi đấu ai chẳng thương. Đó là vấn đề làm cho dân thương, khán giả yêu quý.
Đá thắng cho dân vui: Chiến thắng là mục tiêu của trận đấu. Mỗi khi cầu thủ thi đấu trung thực, tận tụy thì kết quả thế nào cũng làm người hâm mộ vừa lòng. Tuy nhiên, đem lại chiến thắng, đó là điều mong muốn không những của cầu thủ mà của cả người hâm mộ. Mỗi khi ghi được một bàn thắng là niềm vui của cả mọi người, tiếng reo hò ầm vang, đấy chính là niềm vui tột cùng của khán giả xem bóng đá. Vì vậy, mục đích chiến thắng của đội bóng, đó cũng cũng chính là mang lại niềm vui cho toàn dân.
Chiến thắng, đồng nghĩa với việc gian khổ tập luyện; trong tập luyện và thi đấu, cầu thủ và huấn luyện viên phải luôn thể hiện khát khao chiến thắng bằng nỗ lực hết mình, tìm tòi và khai thác điểm mạnh của đội, khắc chế thế mạnh của đội bạn, mưu trí, nhanh nhẹn xử lý mọi tình huống đã được thuần thục trong tập luyện để mang lại hiệu quả cao nhất trong thi đấu. Đó cũng chính là “Lấy cần cù bù khả năng”. Có như vậy mới mang lại chiến thắng, mang lại niềm vui thỏa lòng người hâm mộ.
Đá đẹp cho dân sướng: Mục đích của thi đấu là chiến thắng. Nhưng không phải chiến thắng bằng mọi giá với lối “Chém đinh, chặt sắt”, “Triệt hạ” đối thủ để chiến thắng. Đá đẹp ở đây tạo nên niềm tự hào của người dân xứ Nghệ. Chúng ta còn nhớ trận thi đấu tại sân Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh, giữa SLNA với Cảng Sài Gòn dạo ấy: Pha bóng Thanh Tuấn bị 4 cầu thủ bạn bủa vây tại chấm phạt góc, bằng một động tác tinh xảo: Chân trái tâng bóng lên, chân phải đá móc vào khu 16.50m cho đồng đội sút vào khung thành Cảng Sài Gòn; hay hàng chục pha chuyền bóng, đi bóng qua đối thủ, xoạc chân lấy bóng, những cú sút hiểm hóc… làm sung sướng, rạo rực lòng người xem. Những pha bóng đẹp ấy mãi mãi trong ký ức, là niềm tự hào của người hậm mộ bóng đá xứ Nghệ. Tuy nhiên, muốn có được những pha bóng đẹp, đẳng cấp ấy, từng cầu thủ luôn phải “Khổ luyện thành tài, miệt mài thành giỏi”. Quả thật đá thắng mà có những pha bóng, những bàn thắng như vậy, thì dân vừa vui vừa sướng.
Với mong muốn, cuộc cải tổ toàn diện lần thứ hai này phải triệt để, với tinh thần đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để đem lại hiệu quả thiết thực. Muốn cải tổ thành công, đem lại niềm tin để người hâm mộ lại ùn ùn kéo nhau tới sân bóng, sân Vinh trở thành thánh địa, là chảo lửa bất bại của SLNA như trước kia; tôi xin nêu 4 tiêu chí mà cuộc cải tổ lần 1 chưa thực hiện được triệt để. Những mong lần thứ hai này, những người làm bóng đá suy ngẫm đưa Sông Lam Nghệ An xứng danh “Là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ”.