Miễn học phí làm sinh viên lười học
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM - nêu quan điểm rằng, nên bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm.
Ông Dũng cho rằng chính sách này gây nhiều lãng phí, trong khi sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều. Hơn nữa, nhiều sinh viên sư phạm sau khi được học miễn phí ra trường lại làm cho nơi khác chứ không phục vụ cho sư phạm, gây lãng phí.
“Cho nên tốt hơn hết là cho vay tín dụng, em nào học thì cho vay tiền. Nếu ra trường làm sư phạm thì sẽ hoàn trả cho các em, còn nếu làm ngoài thì các em phải trả lại số tiền này”.
Nói về việc nếu như bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm sẽ làm các trường khó khăn hơn trong việc tuyển sinh, bằng chứng là năm qua rất nhiều trường sư phạm trắng thí sinh, ông Dũng cho rằng phải chấp nhận vì đầu ra là quan trọng, nếu như có việc làm thì kể cả đóng học phí thì học sinh vẫn hào hứng để thi vào trường sư phạm.
Theo ông Dũng, với mức sống hiện nay thì số học phí này không đáng là bao, không phải vì miễn học phí mà thu hút học sinh vào, thậm chí còn gây ra tác dụng ngược. Học sinh thi vào sư phạm không vì đam mê yêu thích mà chủ yếu vì được miễn học phí. Chính sách này có thể còn khiến cho sinh viên lười học, bởi vậy phải đóng tiền thì sinh viên mới cố gắng học.
Bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm cần có lộ trình
Trong khi đó PGS.TS Nguyễn Thám - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) - cho rằng, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã có thời gian dài tác động tích cực đến tuyển sinh sư phạm, đặc biệt là thời kỳ đó sinh viên sư phạm ra trường có cơ hội làm việc đúng ngành đã chọn.
“Hiện nay học sinh giỏi ít mặn mà với sư phạm, chủ yếu là cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp quá khó khăn. Trong điều kiện khó tuyển sinh vào các trường sư phạm như hiện nay, nếu bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm thì lại càng khó tuyển hơn” – ông Thám nói.
Vì vậy theo ông Thám, cần phải có lộ trình cụ thể, để học sinh giỏi vào sư phạm cần có những giải pháp tầm vĩ mô như quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên và các chính sách phù hợp, tạo động lực cho việc phát triển đội ngũ giáo viên và các trường sư phạm sẽ phải đổi mới trong đào tạo giáo viên để tạo động lực cho thầy - cô giáo tương lai.