Năm 2018, Bộ GD-ĐT đã quy định mức điểm sàn riêng cho các trường sư phạm. Theo đó, thí sinh đăng ký vào các đại học sư phạm phải đạt từ 17 điểm, cao đẳng sư phạm từ 15 điểm trở lên. Tuy nhiên, với mức điểm sàn này, nhiều trường sư phạm vẫn không tuyển được thí sinh. Thậm chí, trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đã phải nâng điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn lên 23 điểm để loại thí sinh duy nhất trúng tuyển vì không thể mở ngành chỉ đào tạo 1 người học.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT đã trao đổi xung quanh những bất cập trong việc tuyển sinh vào các ngành sư phạm.
PV:Thưa bà, những trường sư phạm nâng điểm chuẩn để “đánh trượt” thí sinh liệu có vi phạm quy định nào không?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Nếu như nói về vi phạm một điều luật cụ thể nào thì trường không vi phạm vì nhà trường có quyền xác định điểm trúng tuyển. Tuy nhiên, điểm trúng tuyển này có phụ thuộc vào nhu cầu tuyển sinh hay không thì rõ ràng là không.
Trong tình thế chỉ có một vài thí sinh trúng tuyển, nhà trường không thể tổ chức mở lớp hoặc không muốn thí sinh phải đợi chờ đến khi nào đủ số lượng thì mới mở lớp thì nhà trường phải có giải pháp. Giải quyết tình thế này chỉ thực hiện ở một số trường cá biệt, chứ không phải là giải pháp giải quyết cho cả hệ thống các trường sư phạm.
PV:Bà đánh giá như thế nào về tuyển sinh vào các ngành sư phạm năm 2018?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng:Năm 2018, việc tuyển sinh vào các ngành sư phạm vẫn được Bộ GD-ĐT thực hiện giao chỉ tiêu và quy định điểm sàn. Việc làm này là để xác định rõ quyết tâm của toàn ngành cũng như của các trường ĐH là phải nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo theo đúng nhu cầu xã hội sử dụng.
Ngưỡng điểm sàn ngành sư phạm đã được đưa ra chủ yếu là dựa trên các đề xuất, ý kiến từ đại diện các trường sư phạm ở các trình độ ĐH, CĐ, Trung cấp ở các vùng miền. Nhìn chung, các trường đều mong muốn ngành sư phạm có mức điểm sàn ở mức tương đối cao so với các ngành khác. Điều này cũng là để nâng cao chất lượng sinh viên và cũng là thể hiện trách nhiệm của mình đối với nguồn nhân lực sư phạm cho đất nước.
Đang chuyển đổi, phải chấp nhận trường sư phạm “cá biệt”
PV:Thưa bà, trong mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường ĐH sư phạm vùng, đặc biệt là các trường cao đẳng sư phạm năm nay lại gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh.Có những câu chuyện “dở khóc, dở cười”. Bà nhìn nhận như thế nào về thực tế này?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Việc có trường Cao đẳng sư phạm nâng điểm chuẩn để “đánh trượt” thí sinh cũng xuất phát từ thực trạng ít thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm. Khi có 1-2 học sinh đăng ký vào học thì trường không đủ kinh phí để mở lớp hoặc không muốn thí sinh phải chờ đợi để mở lớp mà không còn cơ hội để học những ngành khác. Chúng ta nên hiểu rằng đây là một giải pháp tình thế ở một số trường cá biệt trong điều kiện đang trong quá trình chuyển đổi.
Ngành sư phạm cũng như toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH đang chuyển đổi từ năng lực của các trường hay là đào tạo theo số lượng phụ thuộc vào năng lực của các trường sang đào tạo theo chất lượng và nhu cầu của xã hội. Trong điều kiện từ những giai đoạn trước, số lượng trường đào tạo sư phạm ở các trình độ cho đến bây giờ còn lại hơn 100 trường.
Như vậy, ở giai đoạn chuyển đổi, chúng ta phải chấp nhận ở mức độ nhất định có những hiện tượng trường sư phạm tuyển sinh không bình thường.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang cho thống kê số lượng những trường hợp như thế này để có những giải pháp phù hợp đối với toàn hệ thống. Tuy nhiên, Bộ cũng mong muốn các trường sư phạm cũng như dư luận xã hội nên bình tĩnh trước quá trình chuyển đổi vì trong quá trình này sẽ phải có giai đoạn xáo trộn. Nếu không có xáo trộn thì chúng ta không thể đổi mới được.
Trên thực tế, những trường sư phạm tốp trên vẫn đang tuyển sinh tốt, có lượng thí sinh đạt điểm cao vào trường. Còn ở những trường sư phạm nằm ở vị trí thấp hơn gặp khó khăn nên các trường phải tự thay đổi chức năng, cơ cấu để thích ứng tốt hơn so với nhu cầu của xã hội.
Thu hút sinh viên vào sư phạm cần giải pháp đồng bộ
PV:Năm nay, Bộ GD-ĐT đưa ra điểm sàn với các trường sư phạm và cũng đưa ra cam kết về việc làm cho sinh viên. Tuy nhiên, thực tế là chính sách này vẫnchưathể thực hiện được ở địa phương. Do vậy, việc thu hút sinh viên vào trường sư phạm vẫn rất khó khăn. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Để thu hút nhiều thí sinh đăng ký vào các ngành sư phạm thì cần nhiều giải pháp đồng bộ như vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, biên chế, tiền lương, chính sách đãi ngộ cho giáo viên; vị trí của ngành sư phạm so với những ngành nghề khác... Những vấn đề này cần được giải quyết ở nhiều góc độ và sự vào cuộc từ nhiều Bộ, ngành.
Sẽ có sự sáp nhập, giải thể các trường sư phạm
PV: Vậy việc sắp xếp, cơ cấu lại các trường sư phạm, đặc biệt là các trường cao đẳng sư phạm đang được thực hiện như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Thực tế, Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo sắp xếp, cơ cấu lại các trường sư phạm. Đầu tiên là việc giảm dần chỉ tiêu đào tạo sư phạm; chuyển đổi một số trường sư phạm thành trường đa ngành. Thậm chí đã có trường sáp nhập, có trường giải thể. Hiện nay, Bộ đang thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm.
Tuy nhiên, khi có Luật Quy hoạch thì Bộ cũng phải có những thay đổi lại theo những quy trình mà Luật Quy hoạch mới được ban hành. Giải pháp đồng bộ là quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm nói riêng và các trường hệ thống các trường ĐH nói riêng theo hướng ưu tiên là đảm bảo chất lượng.
Tiêu chí chuẩn chất lượng theo từng trường cũng được đặt ra. Theo đó, trường nào hoạt động tốt, đảm bảo chất lượng thì Bộ sẽ tiếp tục cho tuyển sinh. Còn những trường nào không đảm chất lượng đào tạo thì cơ quan chủ quản là các Bộ, ngành, địa phương sẽ phải xác định nếu trường thực sự cần thiết thì sẽ tiếp tục đầu tư. Còn nếu thấy không cần thiết thì cần phải thay đổi chức năng, nhiệm vụ như cho sáp nhập, giải thể để đảm bảo sự lành mạnh cho toàn hệ thống.
Còn về các địa phương cũng phải xác định nhu cầu sử dụng nhân lực trong thời gian tới để đặt hàng các trường. Đây là việc làm có thể dự kiến được dựa vào tốc độ tăng dân số, dự báo về độ tuổi đi học, quy mô trường lớp.