(Baonghean) - Tết Nguyên đán Ất Mùi đã cận kề, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại thực phẩm, thức ăn sẵn phục vụ nhu cầu quà biếu và tiêu dùng. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe cho người dân, đích thân đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Lệ Thanh cùng lực lượng chức năng thực hiện cuộc thanh, kiểm tra, giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm… Qua kiểm tra, cho thấy vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều điều đáng phải bàn.
“Đừng chỉ tốt khi có kiểm tra!”...
Trong Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch, an toàn thực phẩm và đảm bảo các hoạt động y tế Tết Ất Mùi do Bộ Y tế tổ chức vào sáng 5/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Lệ Thanh đã yêu cầu ngành Y tế và các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát, thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt lưu ý tới các sản phẩm ăn liền “ba không” - không nhãn mác, không rõ nguồn gốc nơi sản xuất và hạn sử dụng; bên cạnh đó là công tác thông tin tuyên truyền tới người dân về cách lựa chọn thực phẩm an toàn…
Không thể yên tâm với tình hình hiện tại, sáng 6/2 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Lệ Thanh đã dẫn đầu đoàn thanh tra liên ngành đến kiểm tra đột xuất tại chợ Vinh – Trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh. Chợ Vinh hiện có 80.000 m2 mặt sàn với 3.200 hộ kinh doanh. Tết Nguyên đán đã cận kề nhưng nhìn chung tình hình bán mua vẫn chưa thật sự sôi động như các năm trước. Theo ông Tô Thanh Nhân, Trưởng ban Quản lý chợ Vinh thì, với cùng kỳ năm trước, số lượng nhân dân đến mua sắm tại chợ ước giảm tới khoảng 50%, dẫu hàng hóa đều được bình ổn tốt. Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã được tăng cường kiểm soát từ việc tuyên truyền, vận động, ký cam kết, sự hoạt động tích cực của các lực lượng chức năng…
Tiến hành kiểm tra ở chợ Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn đã đến kiểm tra tại các cửa hàng bánh kẹo, đồ khô, thực phẩm tươi sống, thăm hỏi, chia sẻ với người dân những khó khăn trong kinh doanh, đồng thời nhắc nhở, động viên tất cả mọi người thực hiện tốt quy định hiện hành về vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra nhìn chung, hàng hóa tại các đại lý kinh doanh, của hàng bán lẻ ở chợ Vinh đã đáp ứng được yêu cầu về thông tin, thông số tiêu chuẩn, chất lượng. Tuy nhiên, đoàn liên ngành vẫn phát hiện một số mặt hàng khó xác định nguồn gốc cũng như khó kiểm định chất lượng như khô cá, khô mực, mắm ruốc, thịt tươi sống... Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh đã ngay lập tức yêu cầu đại diện các lực lượng chức năng có thành phần trong đoàn kiểm tra phải liên tục rà soát tại các chợ với các nội dung kiểm tra chuyên ngành trước, trong và sau Tết Ất Mùi 2015, tập trung đấu tranh với các thủ đoạn buôn bán hàng lậu, hàng giả, các mặt hàng kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh về các quy định pháp luật trong lĩnh vực giá và an toàn vệ sinh thực phẩm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý rằng, đừng để tình hình chỉ tốt khi có kiểm tra. Nghĩa là không thể yên tâm với báo cáo của các chợ cũng như đơn vị chức năng, mà phải có cam kết đảm bảo kiểm soát tình hình thực tế...
Thông báo công khai, xử lý nghiêm vi phạm
Tính riêng trong đợt cao điểm ra quân thanh, kiểm tra hàng hóa dịp Tết Nguyên đán này, đây là lần thứ hai chợ Vinh được kiểm tra. Trong lần trước cách đó 1 tuần, tình trạng vi phạm là khá phổ biến. Qua kiểm tra, đoàn liên ngành đã có sự nhắc nhở giúp các hộ kinh doanh chấn chỉnh, cũng như xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Đến lần kiểm tra này của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Lệ Thanh, có thể nói tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở chợ Vinh ít nhiều đã được cải thiện, song như Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở, không vì thế mà chủ quan, bởi càng gần Tết, số lượng người dân đến mua sắm tăng lên nhanh chóng, rất có thể lúc ấy, hàng giả, hàng kém chất lượng mới được tuồn ra thị trường, tình trạng vi phạm gia tăng.
Để đảm bảo cho người dân yên tâm mua sắm trong dịp Tết, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm đã được các cơ quan chức năng chú trọng. Cùng với ban quản lý các chợ lớn như chợ Vinh, chợ Ga Vinh, đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh, của Thành phố Vinh, Đội kiểm tra cơ động của Chi cục Quản lý thị trường cũng đã có mặt thường xuyên, túc trực thông tin tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh về các quy định pháp luật trong lĩnh vực giá và an toàn vệ sinh thực phẩm và xử lý vi phạm. Trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Hướng – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường cơ động; ông cho hay: Về cơ bản bà con kinh doanh đã tiếp thu tốt các nội dung tuyên truyền nên đã thực hiện tốt việc kinh doanh các mặt hàng theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số đối tượng vẫn cố tình kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Chúng tôi kiên quyết xử lý vi phạm và tiêu hủy số hàng này.
Có hay không tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết? Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có tiếp tục xuất hiện? – Câu trả lời hãy còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, có một điều rất đáng suy nghĩ mà chúng tôi ghi nhận được ở chợ Vinh, đó là người dân vẫn chưa có ý thức, chưa được trang bị kiến thức lựa chọn thực phẩm sạch. Trong khi người tiêu dùng thì thiếu ý thức và không có điều kiện thẩm định thực phẩm bẩn; nguy cơ thực phẩm giả kém chất lượng, mất vệ sinh rất lớn; để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, việc cần làm ngay bây giờ là thông tin tuyên truyền.
Để chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, kinh doanh trái phép trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, từ đầu tháng 11/2014 Chi cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đội đẩy mạnh kiểm tra, giám sát. Phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phát hiện đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu còn tiến hành kiểm tra các kho tàng, bến bãi, các khu vực chợ đầu mối. Kiểm tra chống gian lận trong việc sử dụng hóa đơn, chứng từ để vận chuyển, mua bán hàng hóa, tập trung chính vào các mặt hàng như rượu, bia, nước giải khát, sữa và các sản phẩm từ sữa, bánh, mứt, kẹo, dầu thực vật, tinh bột, lương thực, thực phẩm tươi sống. Chỉ tính riêng trong tháng 1/2015, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra được 807 vụ và xử lý được 590 vụ vi phạm, xử phạt gần 700.000.000 đồng. Trong đó, có 59 vụ vi phạm về gian lận thương mại, 11 vụ vi phạm hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, 15 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Đào Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ ra một số điều đáng lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở các chợ hiện nay. Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng nhãn mác không rõ ràng, không có nguồn gốc xuất xứ cụ thể, đặc biệt là với các mặt hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, với những mặt hàng tươi sống như giò chả, thức ăn chế biến sẵn cũng khó quản lý, nhất là việc sử dụng các chất phụ gia. Nhiều mặt hàng không có bao bì, tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, một số nơi, ý thức và nhận thức của người kinh doanh còn kém, còn nặng về lợi nhuận mà không quan tâm đến sức khỏe người dân và chất lượng hàng hóa. Đoàn đã thu giữ và tiêu hủy 222 kg kẹo không rõ nguồn gốc được bày bán ở các chợ và xử phạt các hộ kinh doanh 15 triệu đồng. Hiện, ngoài đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh, các địa phương cũng đã thành lập 21 đoàn kiểm tra để thanh, kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở các chợ. Tuy nhiên, với lực lượng mỏng, điều kiện để làm các test, xét nghiệm không nhiều nên việc quản lý còn hết sức khó khăn.
Như vậy, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán và để lựa chọn được các mặt hàng đảm bảo chất lượng, thì ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng khi lựa chọn. Khi đi mua hàng, người dân nên chọn những cửa hàng có uy tín, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống; đọc kỹ các thông tin trên nhãn mác. Tuyệt đối không sử dụng những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, khi phát hiện ra hàng giả, hàng nhái, hàng mất an toàn vệ sinh thực phẩm thì báo cho các ngành chức năng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Lệ Thanh một lần nữa nhấn mạnh trong cuộc kiểm tra sáng 6/2, đó là: Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm, công khai cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân tránh, tẩy chay; Chính quyền các cấp, ban quản lý chợ tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền để người dân có kiến thức phòng tránh ngộ độc, lựa chọn thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng… Hy vọng rằng, các cơ quan chức năng, địa phương sẽ làm tốt sự chỉ đạo này, không thể chờ đến khi tổng kết đợt kiểm tra cao điểm mới công khai danh tính địa chỉ, bởi khi đó Tết đã qua, đã có nhiều người ngộ độc; không chờ đến khi có đợt ra quân mới tuyên truyền bởi nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm luôn hiện hữu hàng ngày, hàng giờ.
Thanh Sơn - Mỹ Hà