Khó khăn thu ngân sách
Mở đầu phiên thảo luận tại Tổ 7, đại biểu Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Sở Tài chính khẳng định, ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tỉnh ta đã tập trung triển khai nhiều giải pháp kích cầu, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp đi vào ổn định sản xuất; trong đó có một số lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp và công nghiệp - xây dựng có sự tăng trưởng.
Tuy nhiên, tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhất là 2 khoản thu chiếm tỷ trọng lớn là thu từ doanh nghiệp Trung ương chỉ đạt 34,4% và thu từ công thương, dịch vụ ngoài quốc doanh chỉ đạt 34,9% trong 6 tháng đầu năm 2020.
Đây là 2 khoản thu để cân đối các nhiệm vụ chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, các sự nghiệp và kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó có nguồn đối ứng chi trả chế độ cho các đối tượng theo gói hỗ trợ 62 tỷ đồng của Chính phủ, khắc phục hán hạn, cháy rừng, dịch bệnh…
Trong khi thu ngân sách khó khăn thì tỉnh cũng đồng thời phải thực hiện một số cơ chế, chính sách giảm tiền thuế theo chủ trương của Chính phủ. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khó đảm bảo cân đối chi ngân sách thường xuyên.
Từ khó khăn nêu trên, đại biểu Nguyễn Xuân Hải cho rằng, bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan ngành Tài chính trong việc đề ra các giải pháp đốc thúc các nguồn thu, đồng thời tính toán đảm bảo chi thường xuyên, không chậm trễ và thiếu một số nhiệm vụ cấp bách khác, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có trách nhiệm cao hơn, quyết liệt hơn trong việc tạo mọi điều kiện cho người dân, doanh nghiệp khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Xuân Hải về trách nhiệm của các cấp, các ngành cần cao hơn để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện tốt 2 mục tiêu “kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Lê Đức Cường - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy cho rằng, hiện nay một số dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng thủ tục giao đất vẫn chưa được thực hiện, gây khó khăn cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, hiện nay, qua rà soát trên địa bàn tỉnh có 10 dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng thủ tục giao đất chưa thực hiện, do việc xác định nguồn gốc đất ban đầu của các địa phương chưa chính xác. Vấn đề này đang được Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh để xử lý.
Cũng quan tâm đến giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh “hậu” Covid-19, đại biểu Nguyễn Như Khôi (bầu tại Quỳnh Lưu) cho rằng, bên cạnh đẩy mạnh thu hút đầu tư từ bên ngoài, tỉnh cần quan tâm giải quyết các khó khăn của các doanh nghiệp đã và đang đầu tư liên quan đến mở rộng quy mô sản xuất thì có thuyết phục hơn rất nhiều.
Gắn với đó là cần chỉ ra những nguyên nhân chủ quan thuộc ngành, địa phương, đơn vị nào trong các vấn đề tồn tại, khó khăn. Đây là “chìa khóa” quan trọng nhất để giải quyết tốt hơn các tồn tại cũng như thúc đẩy việc thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.
Một số ý kiến cũng đề xuất HĐND, UBND tỉnh cần có giải pháp kích cầu phát triển du lịch; có chiến lược phát triển các sản phẩm nông sản thành hàng hóa cao cấp, có sức lan tỏa mạnh mẽ trên thị trường.
Đó còn là ý kiến liên quan đến giải pháp xử lý một số tuyến đường giao thông xuống cấp; ô nhiễm môi trường trên kênh N27 đi qua 3 huyện: Đô Lương, Yên Thành và Diễn Châu; quản lý và bảo vệ rừng; chất lượng dịch vụ cung cấp điện sinh hoạt; đấu giá quyền sử dụng đất ở các địa phương; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ theo gói 62 tỷ đồng của Chính phủ; giải quyết các vấn đề “hậu” sáp nhập xã, xóm và thực hiện chính sách cho những người hoạt động không chuyên trách ở xóm...
Phát biểu tại cuộc thảo luận tổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho rằng, để giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế mà các đại biểu nêu, UBND tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thì đề nghị các ngành, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, nêu cao trách nhiệm để xử lý, nhất là kịp thời rà soát, thống kê đối tượng người lao động, người sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp thuộc đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, đồng thời giám sát việc thực hiện chính sách này. Đó còn là tăng cường phòng, chống cháy rừng; xử lý các tồn tại về ô nhiễm môi trường;…