Chiều 20/7, trong chương trình làm việc của kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII, các đại biểu HĐND tỉnh ở đơn vị bầu cử các huyện: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn tiến hành thảo luận tổ. Đồng chí Vi Hòe – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn làm Tổ trưởng điều hành phần thảo luận.
Nhiều vấn đề người dân bức xúc
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều đánh giá cao công tác điều hành, chỉ đạo, lãnh đạo của UBND tỉnh trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là công tác chỉ đạo, triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Mặc dù tác động của đại dịch là rất lớn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã có những kết quả tích cực, nằm trong nhóm tốp đầu của cả nước.
Đại biểu Nguyễn Văn Hải – Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho rằng, tình hình hạn hán, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn huyện Tương Dương. Bên cạnh đó, trong thời gian dịch Covid-19, gần 8.000 người lao động địa phương trở về, nhưng tình hình ANTT, an toàn xã hội trên địa bàn huyện đảm bảo.
Đồng thời đề nghị, UBND tỉnh cần dự báo mức độ chỉ tiêu kinh tế – xã hội của cả năm là bao nhiêu? Trong chỉ tiêu về nông nghiệp thì sản lượng thịt hơi rất đáng quan tâm, bởi việc tái đàn lợn trên địa bàn huyện khó khăn.
Bên cạnh đó, có 6 hộ dân ở xã Lưu Kiền, do xả lũ của thủy điện bản Ang khiến nhà cửa bị nứt nhưng đến nay nhân dân chưa được hỗ trợ, cũng không biết kêu ai. Về Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc kéo dài ở dự án Thủy điện Bản Vẽ đến nay chưa có nội dung nào được thực hiện. Mong muốn của cử tri là phải giải quyết khẩn trương, vì kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ đã có hơn 1 năm rồi.
Còn đại biểu Lương Thanh Hải – Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, UBND tỉnh cần làm rõ bao nhiêu thôn, bản chưa có điện lưới và nguyên nhân tình trạng mất điện xảy ra liên tục tại các huyện vùng cao trên tuyến Quốc lộ 48.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, đại biểu Lương Thanh Hải cho rằng, Quốc hội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, chia bình quân mỗi tỉnh mỗi năm được khoảng 500 tỷ đồng. Trong Chương trình có 10 dự án thì các huyện phải chỉ đạo các xã làm rõ trong năm 2021 sẽ thực hiện nội dung gì, phù hợp dự án nào, nhằm đáp ứng yêu cầu chính của chương trình MTTG.
Còn đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nêu ý kiến, trong bản giải trình, UBND đánh giá lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư của tỉnh rất kém. “Nếu thế thì phải đánh giá lại hiệu quả kinh tế của Hội nghị xúc tiến đầu tư trong 10 năm vừa qua như thế nào. Nếu không hiệu quả thì mạnh dạn bỏ hội nghị này” - đại biểu Cầu đề nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu còn cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác ở Nghi Yên đã rất bức xúc, hiện còn 74 hộ trong diện di dời nhưng chưa di dời được nên đời sống rất khó khăn. Về vấn đề rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP.Vinh, rác để rất gần khu vực dân cư khiến cho người dân rất khó chịu. Đề nghị UBND tỉnh tập trung giải quyết vấn đề này.
UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo ngành Giáo dục đánh giá lại việc học trực tuyến trong thời gian rồi có gì hơn và kém so với học trực tiếp. Nếu sau này, chúng ta có những thời điểm cần phải cách ly thì để thực hiện tốt hơn, để cho phụ huynh yên tâm.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao vai trò của sự tăng tưởng lĩnh vực nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Tỉnh ủy thì điều này lo nhiều hơn mừng.
"Hiện nay, độ mở của nền kinh tế nước ta lớn, sự giao thương chặt chẽ, sâu rộng. Một nền kinh tế mở nhưng lĩnh vực nông nghiệp ít bị ảnh hưởng chứng tỏ sự khép kín của chúng ta quá lớn, chiến lược trong phát triển nông nghiệp có vấn đề. Chúng ta chưa có những sản phẩm có thể xuất khẩu" - Phó Bí thư Tỉnh ủy nói và cho rằng, cần nghiên cứu chiến lược định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông cũng cho biết, hầu như cuộc tiếp xúc nào cử tri cũng hỏi về vấn đề thiếu đất sản xuất. Đã có tình trạng người dân vướng vào lao lý vì nguyên nhân sâu xa là thiếu đất sản xuất. Vì vậy, cần xem xét vấn đề quy hoạch đất lâm nghiệp, đảm bảo cho người dân có đất tối thiểu để sản xuất, ổn định cuộc sống.
"Về vấn đề thu hút đầu tư hậu Covid-19, chúng ta không thể ngồi chờ đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển. Cần có tư duy hoàn toàn khác, quyết liệt, chủ động hơn nữa" -Phó Bí thư Tỉnh ủy nói và đồng ý với ý kiến cần đánh giá lại hiệu quả Hội nghị xúc tiến đầu tư trong thời gian qua.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông cũng đề nghị, trong thời gian tới, UBND tỉnh cần đẩy mạnh cải cách hành chính, hạn chế giấy phép con, đồng hành với doanh nghiệp. UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo sâu sát hơn đối với các sở, ngành liên quan trực tiếp với doanh nghiệp để tăng cường công tác thu hút đầu tư.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, công tác điều hành chỉ đạo, giải quyết công việc của tỉnh trong thời gian qua được đẩy nhanh hơn và đảm bảo đúng quy định. Tỉnh đã có nhiều giải pháp điều hành quyết liệt hơn, sâu sắc hơn, nhanh hơn để tạo điều kiện hỗ trợ, đặc biệt cho doanh nghiệp.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã trao đổi thêm ý kiến của các đại biểu và cho rằng, trong thu hút đầu tư có 2 rào cản lớn là cảng biển và cải cách hành chính. Vẫn còn những thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp, thời gian giải quyết lâu. Tiến tới, UBND tỉnh sẽ chỉ rõ dự án nào chậm ở sở, ngành nào, vì sao chậm để từ đó tháo gỡ khó khăn.
Kết luận phiên thảo luận tổ 5, đồng chí Vi Hòe – Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết, phiên thảo luận tại tổ 5 đã nhận được 12 ý kiến của các đại biểu. Những ý kiến này sẽ được tổng hợp để trình HĐND tỉnh tại phiên thảo luận chung vào ngày mai.