Chiều 12/10, UBND tỉnh tổ chức họp báo để thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý III năm 2021.

Các đồng chí: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Nguyễn Bá Hảo - Phó Giám đốc Sở TT&TT đồng chủ trì buổi họp báo.

Dự buổi họp báo có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương.

bna_toan_canh_33179893_12102021.jpgToàn cảnh buổi họp báo của UBND tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

Tại buổi họp báo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức báo cáo, trong 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ và nỗ lực lớn của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ vẫn đạt được những kết quả tích cực. Với tinh thần quyết liệt, đồng bộ các giải pháp với quan điểm cao hơn một mức, sớm hơn một bước, huy động được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân, tỉnh Nghệ An đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19.

Lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan báo chí tham dự buổi họp báo. Ảnh: Phạm Bằng

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm 9 tháng của tỉnh tăng 5,9%. Sản xuất nông nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt; Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng thực hiện 13.219 tỷ đồng, đạt 94,2% dự toán, tăng 13,2% so cùng kỳ; Sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng khá.

Tỉnh đã tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Trong 9 tháng, đã cấp mới cho 86 dự án, điều chỉnh 105 lượt dự án; tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 22.701,75 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2020, số lượng dự án tăng 38,7%, tổng mức đầu tư tăng 4,25 lần. Nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 1.921,289 tỷ đồng, đạt 61,25% kế hoạch giao chi tiết.

Tỉnh cũng đã phê duyệt hỗ trợ cho gần 13.000 người với kinh phí hơn 19,2 tỷ đồng theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ; cung cấp trên 27.100 vị trí việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để người lao động tiếp cận tìm kiếm việc làm.

Nhà báo Bá Thăng - Trưởng đại diện Văn phòng Truyền hình VTC tại Nghệ An phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Phạm Bằng

Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh các nội dung: Việc đón công dân trở về từ các tỉnh, thành phía Nam của tỉnh thực hiện như thế nào?; Bao nhiêu người đã về quê trong độ tuổi lao động và bao nhiêu người đã được giải quyết việc làm?; Kết quả hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ đến nay được tỉnh thực hiện như thế nào, có khó khăn, vướng mắc gì?.

Các nhà báo cũng đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành trả lời các nội dung liên quan đến các giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; Có hay không dự án khu đô thị 200 ha của Tập đoàn Ecopark tại xã Hưng Hòa (TP. Vinh), đang được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội; Bao giờ thì dự án chống sạt lở tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương hoàn thành?. Việc chăm sóc các cá thể hổ sau vụ bắt giữ nuôi trái phép tại huyện Yên Thành đến nay ra sao?...

Ông Bùi Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh trả lời câu hỏi của các nhà báo. Ảnh: Phạm Bằng

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Sở Xây dựng, Cục Thuế, Sở NN&PTNT, UBND TP. Vinh,... đã trả lời cụ thể các câu hỏi của các nhà báo, phóng viên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long khẳng định, tỉnh Nghệ An không khuyến khích công dân tự chạy xe máy về quê bởi nó tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn giao thông, lây nhiễm dịch bệnh. Trong số công dân đã trở về quê (tính đến ngày 8/10 là hơn 92.000 người), tỷ lệ người lao động làm việc tại các nhà máy, công trường, có hợp đồng lao động rất ít, đa số làm việc thời vụ. 

Trong thời gian qua, Nghệ An và các tỉnh, thành phía Nam đã có sự thống nhất, công dân nào có nhu cầu về quê thì đăng ký qua Sở LĐ-TB&XH đối với các tỉnh, riêng TP. Hồ Chí Minh thì đăng ký qua Sở GTVT. Khi có điều kiện phù hợp thì tỉnh sẽ lên phương án đón công dân trở về. Vì vậy, mong muốn các cơ quan báo chí tuyên truyền để người dân hiểu, yên tâm ở lại làm việc khi các tỉnh, thành phía Nam đã bắt đầu ổn định trở lại. Nếu thực sự muốn về quê thì đăng ký với cơ quan chức năng các tỉnh, thành phía Nam, hoặc nhờ người thân đăng ký tại quê nhà.

Kết luận buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long nhấn mạnh, để tỉnh đạt được những kết quả trên có vai trò đóng góp quan trọng của cơ quan báo chí, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều nhà báo, phóng viên đã tích cực xông pha điểm nóng, nơi nguy hiểm vào những thời điểm, thời khắc phức tạp, nhạy cảm. Ngoài ra, các cơ quan báo chí còn làm tốt cầu nối để các đơn vị có năng lực, khả năng ủng hộ vào quỹ phòng, chống dịch và hỗ trợ các gia đình, người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Các đồng chí chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Phạm Bằng

Tỉnh Nghệ An ghi nhận, cảm ơn và mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp nắm, thực hiện tốt hơn các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng cuối năm 2021. Trong công tác phòng, chống dịch, mong muốn các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền để khắc phục 4 nhóm nguy cơ: Nguy cơ chủ quan, lơ là; nguy cơ mất kiểm soát nguồn lây từ vùng dịch về; nguy cơ tình hình dịch xấu hơn vượt quá khả năng của tỉnh và nguy cơ khủng hoảng an sinh, xã hội. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống mưa bão nhằm nâng cao cảnh giác của người dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT, ATGT; Tăng cường truyên truyền những cách làm hay, những tấm gương điển hình để nhân rộng, qua đó góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển./.