Trong sáng nay (8/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Chính phủ nêu rõnhiều tồn tại, hạn chế

Thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 được hoàn thành, đạt kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Tiếp tục khẳng định vai trò là năm bản lề trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

104119-1.jpgBộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo (tóm tắt) về kinh tế-xã hội. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số nhóm tồn tại, hạn chế chủ yếu như công tác điều hành và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của chính sách tiền tệ, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức do độ mở của nền kinh tế lớn, khả năng chống chịu của nền kinh tế trong nước chưa thực sự vững chắc.

Việc thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nhìn chung còn chậm, một số tồn tại hạn chế chưa được xử lý triệt để.

Cũng theo báo cáo, việc quản lý, khai thác và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn nhiều lãng phí, không theo quy hoạch, vi phạm pháp luật. Môi trường nước, không khí tại nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, lưu vực sông không bảo đảm an toàn.

“Kỷ luật, kỷ cương một số nơi chưa nghiêm; tổ chức bộ máy còn cồng kềnh; phối hợp công tác giữa các ngành, các cấp hiệu quả chưa cao, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tình hình an ninh, trật tự tại một số địa bàn diễn biến phức tạp” - ông Nguyễn Chí Dũng nói và nhấn mạnh những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Về năm 2019, Chính phủ cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn và những thách thức mới.

Tốc độ tăng GDP quý I năm 2019 ước đạt 6,79%, tuy vẫn là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận và cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011-2017 nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Dự báo trong những tháng còn lại, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với thách thức không nhỏ đến từ nội tại của nền kinh tế.

Làm rõ nguyên nhân tăng giá điện 

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, trên cơ sở 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong các Nghị quyết của Quốc hội, ngay từ đầu năm Chính phủ đã tích cực triển khai cụ thể hóa thành 186 nhiệm vụ, đề án cụ thể để thực hiện, giao chỉ tiêu cho các Bộ, ngành trung ương và địa phương, ban hành nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, tình hình sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo trong 4 tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại. Sản xuất nông, lâm, thủy sản nhìn chung còn nhiều khó khăn. Hoạt động “tín dụng đen” vẫn diễn biến rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, làm mất trật tự an ninh xã hội. 

“Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động của việc tăng giá này đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.

Nhấn mạnh năm 2019 có ý nghĩa quan trọng trong việc “bứt phá” để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, cơ quan thẩm tra đề nghị thực hiện nhanh, giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn trong tất cả các lĩnh vực.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị xác định rõ các trường hợp sai phạm trong công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nhất là sự tiếp tay, vi phạm của công chức, cán bộ trong ngành giáo dục hoặc giữ chức vụ quản lý ở địa phương; tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông và đại học năm 2019 tránh những sai sót, tồn tại đã từng xảy ra.

Cùng với đó là chấn chỉnh công tác quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra về đất đai và khai thác khoáng sản ở các địa phương, không để tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật lợi dụng. Xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng rượu, bia vi phạm quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; sớm hoàn thành thực hiện thu phí tự động không dừng...

“Quyết liệt xử lý đối với hành vi quấy rồi tình dục phụ nữ, xâm hại trẻ em. Điều tra, xử lý kịp thời hoạt động môi giới phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài mang thai hộ” - ông Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra, nhấn mạnh./.