(Baonghean) - Đường bay Vinh - Viêng Chăn là đường bay quốc tế đầu tiên của Cảng Hàng không Vinh. Việc mở đường bay Vinh - Viêng Chăn nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện hơn giữa Thành phố Vinh, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ đô Viêng Chăn (Lào) và vùng Đông Bắc Thái Lan. Tuy nhiên, để phát triển đường bay này rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị liên quan.
Mặc dù được đặt rất nhiều kỳ vọng nhưng sau gần 3 tháng khai trương và đi vào hoạt động, Hãng Hàng không Vietnam Airlines đã thực hiện 38 chuyến bay từ Vinh đi Viêng Chăn và chiều ngược lại với 1.100 khách, chỉ chiếm tỷ lệ 43% trong tổng số hành khách mỗi chuyến bay. Riêng trong tháng 3, Vietnam Airlines đã phải hủy 6 chuyến bay do không có khách.
Thời gian qua, để kích cầu đường bay Vinh – Viêng Chăn, Vietnam Airlines đã có chương trình khuyến mại giá rẻ cho khách du lịch Vinh – Viêng Chăn: 49 USD/ vé một chiều và 114 USD/ vé khứ hồi. Tuy nhiên, khách hàng phải nhanh tay đặt vé bởi đi Lào hay Viêng Chăn giá rẻ chỉ được mở bán trong thời gian nhất định với số lượng có hạn. Tại thời điểm 13/4/2014, khi chúng tôi gọi điện đến đặt vé Vinh – Viêng Chăn dịp 30/4, 1/5 giá vé là 1.380.000 đồng/ 1 chiều, khứ hồi là 2.520.000 đồng (126 USD). Với giá vé như hiện tại chỉ có thể thu hút được các đối tượng là khách du lịch, công nhân viên chức… và một ít số lượng du học sinh Lào tại Nghệ An. Thế nhưng đối tượng này tập trung chủ yếu vào mùa hè – mùa du lịch: khách từ Lào sang Nghệ An đi tắm biển, nghỉ dưỡng và học sinh, các du khách từ Nghệ An sang Lào để thăm quan… Hiện nay một trong những đối tượng đi thường xuyên nhất từ Nghệ An sang Lào vẫn là dân lao động. Và đã là dân lao động thì việc đi bằng máy bay với việc đặt vé trước, giá vé cao hơn nhiều lần so với đường bộ (đường bộ chỉ từ 350 – 500 ngàn đồng/người) cũng là một phép tính cần cân nhắc. Anh Nguyễn Ngọc Tuấn (ở xóm 7, Diễn Lâm, Diễn Châu) - người có hơn chục năm kinh doanh tại Lào cho biết: Khi nghe tin Nghệ An mở đường bay thẳng Vinh – Viêng Chăn, những người làm ăn như chúng tôi rất mừng vì thực ra đi máy bay vừa an toàn, vừa nhanh lại không mệt. Thế nhưng khi tìm hiểu, giá vé gấp nhiều lần so với đường bộ (đường bộ chỉ từ 500 – 600 ngàn đồng).
Thiết nghĩ, để kích cầu đường bay Vinh – Viêng Chăn, Vietnam Airlines nên phân luồng đối tượng, phân luồng thời gian hợp lý. Ví như đối tượng là dân lao động nên có một mức vé khác tùy vào thời điểm (mùa du lịch, giao mùa hay mùa kích cầu). Đối tượng là học sinh, sinh viên đang học tập tại Nghệ An cũng nên có giá vé ưu đãi (giống như ưu đãi của đường sắt Việt Nam dành cho học sinh, sinh viên mùa tuyển sinh, mùa nhập học). Việc này cũng không khó cho Vietnam Airlines, bởi hiện tại hãng cập nhật giá vé từng ngày, từng tháng. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cần nói rõ, cụ thể giá vé (bao gồm các loại thuế) trong bảng báo giá để người dân có thể lựa chọn một cách dễ dàng.
Cùng với linh hoạt trong giá vé, Vietnam Airlines cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đường bay trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng hình thức phát tờ rơi cho khách du lịch trên tất cả các chuyến bay nội địa và quốc tế. Đặc biệt, tại các điểm bán vé máy của hãng, cũng cần mở rộng hình thức quảng bá thông qua các khách hàng đã từng tham gia chuyến bay Vinh – Viêng Chăn, nhất là những vùng, miền có số lượng lao động làm việc tại Lào nhiều như Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu… Mỗi đường bay có một cách tiếp cận, một cách khuyến mại, hậu mãi khác nhau chứ không nên áp dụng máy móc đường bay này với đường bay kia. Có thể thời gian đầu, Vietnam Airlines phải chịu thiệt, không lãi ở đường bay Vinh – Viêng Chăn để thu hút, quảng bá… nhưng về lâu dài, khi khách du lịch, người dân lao động đã quen, chắc chắn Vinh – Viêng Chăn sẽ là đường bay nối dài, liên tục và là lựa chọn đầu tiên của người dân khi sang Viêng Chăn trước câu hỏi “đi đường bộ hay đường hàng không?”.
Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Bắc – Tổng Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Thái Sơn được biết: Việc mở đường bay Vinh – Viêng Chăn đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho các hãng lữ hành trong giới thiệu, xây dựng các tour du lịch. Là thành viên của CLB du lịch hàng không Vinh – Viêng Chăn, Thái Sơn thấy mình cần có trách nhiệm trong xây dựng, quảng bá các tour Vinh – Viêng Chăn với khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, để đón đầu cho mùa du lịch cao điểm 30/4, 1/5, Thái Sơn đã xây dựng các tour như Hà Nội – Vinh (quê Bác, Cửa Lò) nghỉ một đêm tại TP. Vinh, sau đó sáng mai xuất phát từ sân bay Vinh – sang các điểm du lịch ở Viêng Chăn để thu hút khách từ Hà Nội, Hải Phòng về Vinh và từ Vinh đi Viêng Chăn. Ngoài ra, Thái Sơn còn liên kết với các điểm du lịch xuất phát từ Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị về Vinh để đi chuyến Vinh – Viêng Chăn.
Nếu du khách đi tour cùng với Thái Sơn, giá vé khứ hồi của Việt Nam Airlines: Vinh – Viêng Chăn sẽ được giảm từ 126 USD xuống còn 120 USD (giá dành riêng cho Thái Sơn là Phó ban điều hành CLB Vinh - Viêng Chăn). Với nỗ lực như vậy nhưng từ khi khai trương đường bay Vinh – Viêng Chăn đến nay, khách du lịch đăng ký qua Thái Sơn vẫn còn khiêm tốn. Bởi nhiều lý do: Thứ nhất, rất nhiều khách du lịch ngoại tỉnh vẫn chưa biết đến đường bay này. Chứng tỏ việc tuyên truyền, quảng bá của chúng ta vẫn chưa có sức lan tỏa. Thứ hai, so với các đường bay khác, giá vé của Việt Nam Airlines dành cho đường bay này còn cao. Bởi nói là đi nước Lào nhưng thời gian bay cũng giống như chúng ta đi một số tỉnh trong nước. Ví như cùng thời gian 1 tiếng nếu từ Vinh– Đà Nẵng có giá 1.129 nghìn đồng, trong lúc từ Vinh – Viêng Chăn khứ hồi 114 USD (tương đương 2.280 nghìn đồng) trước ngày 1/4 và từ 1/4 là 126 USD.
Ông Tạ Khắc Uyên – Công ty cổ phần du lịch Nghệ An cho biết: Là doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nên việc tuyên truyền, quảng bá các tour, tuyến, đường bay hay đường bộ, đường sắt là việc làm thường xuyên. Riêng đường bay Vinh – Viêng Chăn, ngay từ đầu, đơn vị đã xác định mình phải có trách nhiệm hơn trong công tác tuyên truyền, quảng bá. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đường bay vẫn chưa hiệu quả. Theo tôi, nguyên nhân chính là giá vé còn quá cao. Chỉ làm một phép tính đơn giản: trong khi đường bộ tour Vinh – Viêng Chăn trọn gói 4 ngày 3 đêm có giá 2.800.000 đồng thì riêng đường bay giá vé khứ hồi tại thời điểm này đã là 126 USD (tương đương 2.646.000 đồng). Trong lúc đó, khách đi đường bay này vẫn chủ yếu là khách nội tỉnh, bởi nếu khách Hà Nội người ta sẽ đi Hà Nội – Viêng Chăn; khách Đà Nẵng cũng sẽ đi Đà Nẵng – Viêng Chăn… Yếu tố thứ hai đó là cách quảng bá giá vé của Việt Nam Airlines còn chưa có tính thu hút, kích cầu. Đường bay này mới mở gần 3 tháng mà giá vé đã thay đổi liên tục. Ví như từ 49 USD một chiều trước 1/4/2014 thì nay là 120 USD/ một chiều, từ 114 USD khứ hồi lên 119 USD và hiện nay là 126 USD/ người/ khứ hồi. Riêng dịp 30/4, 1/5, đơn vị có gần 20 hợp đồng Vinh – Viêng Chăn nhưng không ai chọn đường bay, tất cả đều đi đường bộ.
Có thể khẳng định rằng, sự sát cánh hợp tác của ngành Hàng không với hàng loạt chính sách khuyến mãi, giảm giá các tuyến bay nội địa trong thời gian qua đã góp phần quan trọng cho các doanh nghiệp du lịch thiết kế tour và bán tour giá rẻ. Nhờ đó, ngành Du lịch chặn được đà suy giảm khách quốc tế, tăng trưởng du lịch nội địa. Bà Lê Thị Hồng Nhung - Giám đốc Trung tâm lữ hành Văn Hồng cho rằng: Hàng không nói chung và Việt Nam Airlines nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch, giống như giao thông đường bộ trong việc phát triển kinh tế vùng. Nếu có chính sách chung cho cả 2 ngành này thì việc phát triển kinh tế sẽ rất thuận lợi. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa du lịch với Hàng không trong quá trình đặt chỗ và thông tin còn thiếu đồng bộ khiến các doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn trong việc đặt vé trong mùa cao điểm cũng như một số đường bay nhất định. Hầu như các công ty du lịch vừa và nhỏ không thể tiếp cận nguồn vé này. Để thúc đẩy và góp phần tạo điều kiện cạnh tranh tốt nhất, Việt Nam Airlines cần có những chính sách giá cả linh hoạt dành cho những khoảng thời gian khởi hành đầu và cuối tuần, thường xuyên đưa ra chính sách kích cầu ở những chặng, tuyến có số lượng khách đăng ký hạn chế để kích thích nhu cầu, đồng thời tạo điều kiện cho các công ty lữ hành triển khai các đường tour, thông qua đó tạo sự cân đối về lượng khách giữa các vùng, miền.
Du lịch là ngành kinh tế mang tính tổng hợp, để phát triển du lịch cần có sự liên kết giữa nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Du lịch có thể phát triển nếu các điều kiện về giao thông, thương mại và các dịch vụ liên quan cùng phát triển. Hàng không chính là cầu nối rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian, giúp các điểm đến trở nên gần hơn, thuận lợi hơn với khách du lịch, do đó, làm gia tăng lượng khách du lịch đến các điểm đến. Đồng thời, sự phát triển của du lịch đã tác động trực tiếp đến sự phát triển của ngành Hàng không, góp phần quan trọng vào sự tồn tại đa dạng của các chuyến bay, tần suất, quy mô hoạt động của các hãng Hàng không. Có thể ví mối quan hệ giữa du lịch và Hàng không như hai cánh trên một máy bay.
Để tìm giải pháp khai thác hiệu quả đường bay Vinh – Viêng Chăn vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức buổi làm việc bàn các giải pháp thúc đẩy khai thác hiệu quả đường bay Vinh – Viêng Chăn và phát triển du lịch Nghệ An gắn với hàng không. Đúng như ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh, khi bắt đầu mở đường bay trách nhiệm chính thuộc về Sở GTVT, nay đường bay đã hình thành và đi vào hoạt động, Sở VH-TT&DL là đơn vị nắm giữ trọng trách quảng bá, liên kết xúc tiến hoạt động du lịch gắn với Hàng không. Các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn cần phải vào cuộc để hỗ trợ đường bay quốc tế Vinh – Viêng Chăn, nhưng trên hết, ngành Hàng không phải nâng cao chất lượng phục vụ để hạ giá vé, đặc biệt là giá vé cho khách đi lẻ để thu hút hành khách.
Thanh Thủy