(Baonghean) - Hiện trên địa bàn tỉnh ta có 25 lễ hội cấp tỉnh, vùng kéo dài từ tháng Giêng đến tháng Mười Một. Trong đó, nhiều lễ hội đã đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống vào phục vụ du khách, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo…
Nghệ An là nơi ghi dấu ấn đậm nét của một vùng văn hoá đậm đà bản sắc với 6 dân tộc anh em cùng chung sống. Ở đó với đa dạng các loại hình nghệ thuật truyền thống như những làn điệu Dân ca ví, giặm của người Kinh, đu đu điềng điềng, tập tính tập tang của người Thái, múa hát cồng chiêng của dân tộc Thổ… thiết tha, đằm thắm làm say lòng người. Bức tranh thể hiện rõ nét nhất những bản sắc văn hóa ấy được tái hiện qua những lễ hội mùa Xuân tiêu biểu như Lễ hội Vua Mai, Hang Bua, đền Cuông, đền Cờn, đền Quả, đền Bạch Mã... Mỗi lễ hội mang một sắc thái văn hóa riêng nhưng đều hướng tới sự thiêng liêng truyền thống tốt đẹp của cha ông ta với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tinh thần đoàn kết. Lễ hội còn là nơi giao lưu gặp gỡ, chia sẻ của mỗi người sau một năm lao động vất vả. Những lễ hội cổ truyền đã phần nào đáp ứng nhu cầu tinh thần và phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân.
Cũng như nhiều làng quê khác dọc bờ sông Lam, hát Dân ca, ví giặm đã ăn sâu vào tâm hồn của mỗi người dân Nam Đàn. Để rồi mỗi dịp Tết đến, Xuân về hay có hội làng, hội xóm, nơi đây lại vang lên những lời ca thiết tha, nhẹ nhàng sống mãi cùng năm tháng. Tuy nhiên, trăn trở nhất của những người dân quê Bác đó là làm sao để ví, giặm trở thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Và việc đưa hát Dân ca ví, giặm trở thành nét sinh hoạt đặc sắc trong Lễ hội Vua Mai hằng năm đang là hướng đi mà Nam Đàn lựa chọn. Chủ nhiệm CLB Dân ca Xuân Hòa – Nam Đàn, ông Đinh Xuân Tình cho rằng: Không gian của Lễ hội Vua Mai rất phù hợp với những làn điệu ví, giặm (có núi, có sông). Trước đây, các mẹ, các chị vừa chèo thuyền, vừa hát đò đưa, hát ví trên sông Lam. Giống như Hội Lim – Bắc Ninh, người ta tổ chức giao lưu, thi hát quan họ trong các trại, trên thuyền và thu hút rất đông du khách thưởng thức. Rất nhiều du khách đến Hội Lim là để có dịp nghe hát quan họ. Đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh của một lễ hội truyền thống đến với nhân dân, bạn bè trong nước. Vừa là dịp để các CLB giao lưu. Và với quy mô như Lễ hội Vua Mai, không phải là không thực hiện được.
Và ước mơ của ông Đinh Xuân Tình đã trở thành hiện thực khi Lễ hội Vua Mai năm nay, huyện Nam Đàn tổ chức giao lưu, hát đối Dân ca ví, giặm giữa các câu lạc bộ trong huyện. Hội thi đã thu hút rất đông người dân và du khách tham gia. Ông Thái Bá Nam (du khách đến từ Đô Lương) cho rằng: Trong không gian lắng đọng, giữa âm hưởng của sự linh thiêng lễ hội tưởng nhớ công đức Vua Mai, câu hát dân ca như ngọt ngào hơn, nghe xúc động quá, nhất là nghe hát Dân ca ví, giặm trên chính mảnh đất “địa linh nhân kiệt” Nam Đàn.
Được biết, ý tưởng đưa hát Dân ca, ví, giặm vào phần hội của Lễ hội Vua Mai đã từng thực hiện một lần cách đây mấy năm nhưng không mấy thành công. Tuy nhiên năm nay, huyện đã quyết định duy trì hoạt động này để góp phần quảng bá dân ca cho du khách khi về với Lễ hội Vua Mai.
Nếu như vùng đất Nam Đàn là nơi có những làn điệu phường vải chân chất, thì vùng đất cổ Hoan Châu xưa, Diễn Châu nay lại là quê hương được ví là cái nôi của ca trù xứ Nghệ. Ông Võ Sỹ Tài - Trưởng phòng Văn hóa huyện Diễn Châu cho biết: Tháng 8/2002, CLB Ca trù Diễn Châu chính thức thành lập dưới sự chỉ đạo của thầy giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên, thầy Trần Công Hợi ở Diễn Yên và một nhóm hát đến từ 2 xã Diễn Liên và Diễn Yên. Dần dần CLB Ca trù Diễn Châu đã trưởng thành, phát triển và thu hút ngày càng đông các hội viên tham gia. Điều đáng mừng là những năm gần đây, về với Lễ hội Đền Cuông vào dịp Rằm tháng Hai âm lịch, du khách thập phương đã được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật ca trù của các hội viên CLB Ca trù Diễn Châu. Giữa không gian linh thiêng của Lễ hội Đền Cuông, phảng phất hương trầm thơm ngát, chỉ còn tiếng trống, tiếng đàn đáy, nhịp phách và những lời ca nương "Mừng Tổ quốc giang sơn gấm vóc/ Cả ba miền thấm thoát đón Xuân sang...".
Về Lễ hội Đền Cuông được thưởng thức ca trù, thì một số lễ hội khác như Lễ hội Đền Đức Hoàng (Yên Thành) tổ chức giao lưu hát tuồng giữa các CLB, Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu) tổ chức hát nhuôn, xuối, khắp – một trong những làn điệu đặc sắc của đồng bào Thái Nghệ An… Ông Trần Duy Trình – Phó Giám đốc Công ty du lịch Vietravel cho biết: Khi các địa phương tích cực vào cuộc như vậy thì các công ty lữ hành mới có điều kiện để quảng bá, xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn. Tại sao chúng ta không thử làm một phép so sánh: Hội Lim có đặc sản là quan họ Bắc Ninh thì Nghệ An phải xây dựng được một lễ hội cấp vùng lớn nhất tỉnh để mỗi lần đến đó du khách sẽ được thưởng thức Dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Và Lễ hội Làng Sen là lễ hội mà chúng ta phải làm cho được, phải quảng bá cho được di sản quý giá này. Làm thế nào để mỗi năm Lễ hội Làng Sen, du khách trong tỉnh, trong nước, quốc tế phải tìm đến bằng được để thưởng thức những làn điệu Dân ca, ví, giặm đặc sắc không thể nào quên. Làm thế nào để nhắc đến Lễ hội Làng Sen là phải gắn với đặc sản Dân ca ví, giặm?
Bà Nguyễn Thị Hương – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch cho rằng, việc đưa nghệ thuật truyền thống vào phục vụ du khách để làm phong phú thêm các sản phẩm tour là điều trăn trở của rất nhiều địa phương có ngành Du lịch phát triển trong nước như Đà Nẵng, Quảng Ninh.... Và Nghệ An chúng ta, tiềm năng nghệ thuật truyền thống rất dồi dào như tuồng, chèo, hát ca trù… và nhất là khi Dân ca ví, giặm xứ Nghệ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - Điều này đặt ra cho các nhà làm du lịch, các nhà làm văn hóa cần phải chung tay, hợp tác để tuyên truyền quảng bá. Trước mắt tại các lễ hội đầu Xuân, các địa phương có tiềm năng du lịch và là cái nôi của Dân ca ví, giặm như Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương… cần xây dựng chiến lược dài hơi trong công tác gìn giữ, phát huy.
Thanh Thủy