(Baonghean.vn) - Bà Hoàng Thị Thu Trang thuộc đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng việc Quốc hội giao Ngân hàng Nhà nước quy định nợ xấu trong khi ngành ngân hàng thụ hưởng cơ chế đặc thù này là chưa thỏa đáng.

Sáng 7/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang nêu quan điểm đồng tình ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ xử lý nợ xấu gắn với xử lý tài sản đảm bảo. Đồng thời, đại biểu Trang góp ý thêm một số nội dung để việc ban hành nghị quyết có tính khả thi hơn.

Đại biểu tỉnh Nghệ An chỉ ra một số nội dung dự thảo nghị quyết chưa được sửa đổi, bổ sung so với báo cáo giải trình của Chính phủ ngày 22/5, trong đó có những nội dung mấu chốt như chưa bổ sung nguyên tắc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu, chưa bổ sung quy định chỉ thực hiện quyền thu giữ tài sản khi không có tranh chấp,… Đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước tham mưu bổ sung, chỉnh sửa nghiêm túc theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội.

1496807371682.jpgĐại biểu Hoàng Thị Thu Trang phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 7/6. Ảnh: Thanh Loan

Bên cạnh đó, về khái niệm nợ xấu, theo đại biểu Thu Trang, việc Quốc hội giao cho Ngân hàng Nhà nước quy định nợ xấu trong khi ngành ngân hàng là ngành được thụ hưởng cơ chế đặc thù này là chưa thỏa đáng.

Liên quan đến quyền thu giữ tài sản, về điều kiện thu giữ tài sản theo báo cáo của Chính phủ sẽ bổ sung quy định tổ chức tín dụng thu giữ tài sản đảm bảo khi không có tranh chấp, bà Trang cho rằng: “Cần làm rõ tranh chấp này là tranh chấp nào: tranh chấp về quyền giao tài sản đảm bảo giữa tổ chức tín dụng và người vay hay tranh chấp về quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản giữa người vay với người thứ 3. Đây là mấu chốt của quyền thu giữ tại dự thảo nghị quyết này”.

Về cơ chế thu hồi và xử lý tài sản, người đứng đầu Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Nghệ An nêu thực tế việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ là một quá trình hết sức khó khăn phức tạp do luôn gặp sự chống đối quyết liệt của người có tài sản và những người có liên quan.

“Thực tiễn công tác thi hành án dân sự cho thấy có những trường hợp tấn công người thi hành công vụ, hoặc tự thiêu, tạt axit,… để xử lý tài sản này, cơ quan thi hành án phải huy động rất nhiều lực lượng. Vậy tổ chức tín dụng phải xử lý vấn đề trên như thế nào? Họ phải trực tiếp thu giữ, xử lý tài sản hay được phép thuê lực lượng khác để bảo kê, thu giữ tài sản? Tôi cho rằng nhất thiết phải có cơ chế rõ ràng, phù hợp để xử lý, nhất là với những trường hợp chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiến hành thu giữ tài sản của công dân Việt Nam, nếu không khó lường hậu quả nghiêm trọng đến an toàn, an ninh xã hội”, bà Hoàng Thị Thu Trang phân tích.

Về cơ chế giải quyết khiếu nại tố cáo và tranh chấp khi thu giữ tài sản, thực tiễn công tác thi hành án cho thấy xử lý tài sản đảm bảo, nhất là bất động sản là những loại việc có khiếu nại, tố cáo nhiều nhất, có những vụ gay gắt, phức tạp kéo dài đến mấy chục năm.

Bà Trang trăn trở: “Khiếu nại, tố cáo là quyền của công dân, nhưng tổ chức tín dụng cũng là 1 bên tham gia hợp đồng dân sự, không có thẩm quyền giải quyết, khi đó phải làm thế nào? Nếu kiện ra tòa lại sinh ra vòng tố tụng mới, khi đó xử lý nợ xấu sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn và mục đích của nghị quyết không đạt được”.

Ngoài ra, đại biểu đến từ đoàn Nghệ An cũng góp ý thêm các nội dung về kê biên tài sản của bên phải thi hành án, quy định miễn thuế, phí thi hành án dân sự,…

Nhóm PV-CTV

TIN LIÊN QUAN