(Baonghean.vn) - Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An cho rằng pháp luật phải thật nghiêm minh và hiệu quả để mọi người đều tuân thủ trong giải quyết các mối quan hệ xã hội.
Sáng 7/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. |
Là một đại biểu làm công tác thực tiễn, nhiều lần xử lý các vụ việc liên quan đến nợ, trong đó có nợ cá nhân và nợ tổ chức tín dụng, đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã gặp không ít trường hợp “dở khóc dở cười”.
“Có trường hợp hàng chục tỷ đồng nhưng mỗi tháng trả 2 triệu, tính ra đến 50 năm cũng chưa trả hết nợ! Đó là thực trạng của việc lấy nợ của các tổ chức tín dụng và người dân lương thiện biết tôn trọng pháp luật, còn đối với tín dụng đen, nhất là dân xã hội thì họ tìm mọi cách để lấy cả gốc lẫn lãi. Những kẻ này dùng luật “rừng”, khiến băng nhóm tội phạm đòi nợ thuê hoành hành, xã hội phức tạp và bất ổn”, đại biểu Cầu lên tiếng trước nghị trường.
Ông thẳng thắn phát biểu: “Tiền nhân dạy có 2 cách đấu tranh, cách thứ nhất là dùng pháp luật, cách thứ 2 là dùng luật rừng, cách thứ nhất dùng cho người, cách thứ 2 dùng cho dã thú. Tuy nhiên, trên thực tế cách thứ nhất vẫn chưa đủ, không hiệu quả nên phải dùng cả cách thứ 2”.
“Tôi mong muốn pháp luật của chúng ta phải nghiêm minh, phải hiệu quả để mọi người dân ai cũng dùng cách thứ nhất trong giải quyết các mối quan hệ xã hội. Tôi ủng hộ Quốc hội thông qua nghị quyết này với mục tiêu chung là lợi ích của nền kinh tế và lợi ích của đất nước”, ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại biểu Cầu bày tỏ quan điểm đồng ý với nhiều đại biểu là cần quy định thêm 3 nguyên tắc: thứ nhất, không dùng công quỹ, ngân sách để trả nợ xấu; thứ 2 là xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; thứ 3 là yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng trích lập quỹ dự phòng để xử lý nợ xấu.
Vị đại tá đến từ đoàn ĐBQH Nghệ An cũng nên băn khoăn về Điều 14 trong nghị quyết quy định về trả vật chứng cho tổ chức tín dụng. Theo ông, vật chứng của chủ sở hữu phải trả cho chủ sở hữu chứ không thể trả tổ chức tín dụng, vật chứng là tiền bạc, tài sản do phạm tội mà có, công cụ, phương tiện lưu hành thì tịch thu sung công quỹ nhà nước và và vật chứng không có giá trị thì tiêu hủy. Trên cơ sở phân tích trên, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị xem xét bỏ điều này.
Nhóm PV - CTV