(Baonghean) - Tại Nghệ An, đến cuối năm học 2015 - 2016, chương trình tiếng Anh 10 năm mới chỉ được triển khai tại tại hơn 28% số trường phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh.
Đề án ngoại ngữ quốc gia bắt đầu được triển khai từ năm 2008 nhằm mục đích đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó mục tiêu cụ thể sẽ triển khai thực hiện chương trình giáo dục 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 môn ngoại ngữ bắt buộc ở các cấp học phổ thông. Đồng thời, từng bước đổi mới việc dạy và học, nâng cao trình độ và năng lực ngoại ngữ của giáo viên ngoại ngữ ở các cấp học, trình độ đào tạo; đầu tư xây dựng các phòng dạy và học ngoại ngữ, phòng nghe nhìn và học đa phương tiện cho các trường học các cấp…
Tại Nghệ An, đến cuối năm học 2015 - 2016, chương trình tiếng Anh 10 năm đã được triển khai tại 44 trường (358 trường tiểu học, 83 trường THCS và 3 trường THPT) - chỉ chiếm hơn 28% so với tổng số trường phổ thông trên toàn tỉnh (1.575).
Bên cạnh đó, chất lượng giáo viên cũng đang còn nhiều hạn chế. Như trong năm 2015, Sở Giáo dục và Đào tạo đã liên kết với Trung tâm ngoại ngữ tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho 210 giáo viên tiếng Anh, bao gồm 46 giáo viên cấp tiểu học, 104 giáo viên cấp trung học cơ sở và 60 giáo viên cấp trung học phổ thông.
Tuy nhiên, kết quả số giáo viên tiếng Anh được cấp chứng chỉ quá thấp, chưa đạt 50%. Riêng bậc THPT chỉ có 18/60 giáo viên được công nhận. Thực tế cũng cho thấy, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng gặp khó khăn vì nhiều giáo viên tìm mọi cách né tránh không tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực của sở. Ngược lại, các giáo viên lại tự đăng ký thi lấy chứng chỉ năng lực ngoại ngữ ở các trường đại học để đối phó với yêu cầu bằng cấp.
Trường Trung học Trà Lân là trường có chất lượng giáo dục hàng đầu của huyện Con Cuông và các huyện miền núi phía Tây Nghệ An. Trong đó, tiếng Anh là thế mạnh của trường nhiều năm. Tuy nhiên, dù được xem là trường “điểm”, nhưng đến thời điểm này, trường chưa triển khai dạy tiếng Anh theo chương trình 10 năm theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên dạy tiếng Anh bậc THCS, tối thiểu phải có chứng chỉ B2 về tiếng Anh. Nhưng 2 giáo viên của Trường Trà Lân mới chỉ có chứng chỉ B1. Thầy giáo Trịnh Đăng Khoa - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trong điều kiện hiện nay, việc nâng cao trình độ cho giáo viên tiếng Anh là rất khó khăn bởi thời gian để giáo viên đi đào tạo không nhiều. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên miền núi khả năng giao tiếp còn hạn chế nên thường gặp khó khăn khi đi thi để nâng cao trình độ.
Ngoài thiếu giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ dạy học tiếng Anh cũng là một vấn đề nan giải. Đến giờ học tiếng Anh của lớp 7A2, mặc dù học sinh đã được học trong phòng học riêng dành cho môn Tiếng Anh nhưng phòng học chỉ khác phòng học thường ở dàn máy chiếu và hệ thống loa được gắn trên tường. Còn lại, chưa có ca bin để thực hành các kỹ năng nghe, nói, chưa có bút và bảng tương tác để học sinh tương tác với bài học…
Thầy giáo Phạm Quốc Hùng - giáo viên dạy Tiếng Anh cho biết: "Hiện toàn trường Trà Lân chỉ có một phòng học tiếng Anh nên thường rơi vào tình trạng sử dụng quá tải. Có nhiều tiết, do lịch học trùng nhau nên học sinh vẫn đang còn phải học chay.
Trên toàn huyện Con Cuông, mặc dù có đến 34 trường (14 trường THCS và 20 trường tiểu học), nhưng hiện chỉ có 17 trường tổ chức dạy tiếng Anh cho học sinh (trong đó có 14 trường THCS và 3 trường tiểu học) và chỉ có duy nhất Trường Tiểu học Mậu Đức là dạy tiếng Anh cho học sinh theo chương trình 10 năm (học tiếng Anh từ lớp 3).
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - phụ trách môn tiếng Anh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông: Hiện tại, giáo viên tiếng Anh của huyện vừa thiếu, vừa chưa đạt chuẩn theo như yêu cầu. Việc thi để lấy chứng chỉ cũng còn nhiều khó khăn và đến nay chỉ mới 10/29 giáo viên tiếng Anh có chứng chỉ B1 hoặc B2. Điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học khi mà số học sinh cấp II thi vào lớp 10 điểm trung bình chung mới chỉ đạt khoảng 4 điểm. Học sinh khá giỏi, chủ yếu là ở các trường điểm và vùng thuận lợi.
Ở huyện Thanh Chương, dù là ở vùng thuận lợi nhưng việc đầu tư trang thiết bị cho việc dạy và học tiếng Anh cũng còn nhiều khó khăn. Tại Trường THCS Thanh Khai, để tổ chức giờ học tiếng Anh thực hành cho học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Hoài phải tự trang bị một chiếc loa mini, một chiếc điện thoại có thể phát bluetooth, một chiếc xạc pin dự phòng. Nhưng dù đã mở loa hết cỡ nhưng do phòng học rộng, lớp học đông, chất lượng thu phát không đảm bảo nên việc nghe của học sinh rất khó khăn, khó có thể đảm bảo việc dạy và học.
Thống kê toàn huyện Thanh Chương hiện nay, cũng chỉ mới có 15/81 trường học được trang bị phòng học tiếng theo đúng như tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, mới có 21/42 trường tiểu học dạy tiếng Anh theo chương trình 10 năm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên là do giáo viên tiếng Anh của huyện chỉ mới đáp ứng đủ khoảng 50% nhu cầu, số giáo viên có bằng B1, B2 cũng còn thấp, điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo.
Những bất cập trên cũng đã dẫn đến kết quả việc dạy và học ngoại ngữ ở trên địa bàn tỉnh ta chưa cao. Riêng những năm gần đây, điểm trung bình thi vào lớp 10 THPT và Kỳ thi THPT Quốc gia đều thấp hơn rất nhiều so với các môn khác (tỷ lệ điểm trung bình của Kỳ thi THPT Quốc gia chỉ mới khoảng 10%), còn có nhiều chênh lệch giữa các vùng miền. Kết quả này cũng cho thấy, để đạt được mục tiêu mà đề án ngoại ngữ đưa ra là còn rất khó khăn và nếu không thực sự nỗ lực, cố gắng thì đích đến để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ là điều khó khả thi.
Mỹ Hà