(Baonghean) - Gần một năm nay, các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh đã không tổ chức học hè và dạy thêm vào các ngày nghỉ cho học sinh. Nguyên nhân chính bởi văn bản cũ quy định về việc dạy thêm học thêm đã hết hiệu lực...
 
Một trong những nội dung quan trọng của phiên họp thường kỳ ngày 23/10 là các thành viên UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về Kế hoạch tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ vào ngày nghỉ và ngày hè tại các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh.
 
Tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường kết luận, đồng tình với chủ trương dạy học vào ngày nghỉ cho các trường mầm non. Tuy nhiên, việc thực hiện phải trên tinh thần tự nguyện và có sự thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường. Trong quá trình triển khai, cần quan tâm đến đối tượng học sinh là con em hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Đây được xem là bước “gỡ khó” cho các phụ huynh có con em đang học mầm non.
 
 
images1400979_gi__ra_ch_i_c_a_h_c_sinh_tr__ng_m_m_non_di_n_xu_n__di_n_ch_u_.jpgGiờ ra chơi của học sinh Trường Mầm non Diễn Xuân (Diễn Châu).
 
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm giáo viên mầm non được nghỉ hè 2 tháng là tháng 6 và tháng 7. Trong thời gian đó, nếu các trường muốn tổ chức dạy hè phải có sự thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường, đồng thời việc dạy hè được tính là dạy thêm, việc thu tiền dạy phải căn cứ vào các quy định của Nhà nước.
 
Tại Nghệ An, từ năm 2014 trở về trước, mức thu dạy hè ở bậc học mầm non được thực hiện theo Quyết định số 70/2009/ QĐ.UBND tỉnh Nghệ An và căn cứ vào Nghị quyết số 272/2009/NQ - HĐND tỉnh “về việc quy định mức thu đối với hình thức học thêm có tổ chức trong các trường công lập, bán công trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.
 
Từ tháng 7/2014, Nghị quyết 272 bị bãi bỏ. Cũng bởi lý do này, gần 2 năm nay, các trường đều không tổ chức dạy hè cho học sinh. Điều đó đã gây rất nhiều khó khăn cho phụ huynh, nhất là khi kỳ nghì hè của các con kéo dài đến hơn 2 tháng. Suốt một thời gian dài phụ huynh mong mỏi quy định về dạy thêm, học thêm được thực hiện lại. 100% các trường mầm non trên địa bàn Thành phố Vinh cũng có văn bản gửi phòng giáo dục thành phố đề đạt xin được dạy hè.
 
Bước vào năm học 2015 - 2016, theo nguyện vọng của đông đảo phụ huynh nhiều trường học, dù chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng vẫn tổ chức dạy thêm vào thứ 7 cho học sinh và “tạm thu” tiền học phí. Nhưng đến đầu tháng 10, nhiều trường đã phải dán thông báo về việc ngừng dạy thêm vì chưa có quy định và xin trả lại toàn bộ học phí đã thu của phụ huynh. 
 
 
Một lớp học cho trẻ 5 tuổi ở Trường mầm non Mường Xén, Kỳ Sơn
Cô giáo Mai Thị Vinh, hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh (Thành phố Vinh) cho biết: “Suốt nhiều tháng qua nhà trường luôn nhận được câu hỏi của các phụ huynh “khi nào sẽ tổ chức dạy thêm cho các cháu”. Biết là phụ huynh rất mong mỏi nhưng nhà trường không thể thực hiện được. 
 
Tìm hiểu thêm ở nhiều trường học khác, nhiều lãnh đạo nhà trường cũng cho rằng: Ngoài việc học chính ở lớp thì học sinh mầm non cần phải được học thêm các môn về năng khiếu như hát, múa, tập võ. Nếu các trường được phép dạy thêm vào thứ 7 thì đây là thời gian thuận lợi nhất để học sinh làm quen với các môn nghệ thuật.
 
Trước thực tế này, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tích cực khảo sát và xin ý kiến về kế hoạch tổ chức dạy ngày nghỉ và ngày hè tại các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ông Lưu Đức Thuyên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Việc dạy hè và dạy vào các ngày nghỉ trước hết là để đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo phụ huynh, tạo điều kiện để phụ huynh yên tâm công tác. Bên cạnh đó, còn góp phần nâng cao chất lượng, chăm sóc, nuôi dạy trẻ.
 
 
Trường mầm non Nậm Cắn.
Liên quan đến nội dung này, từ đầu tháng 10 đến nay UBND tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức 2 cuộc họp để xin ý kiến của các ban, ngành liên quan. Tại các cuộc họp này, đa phần các ý kiến đều đồng tình với kế hoạch mà Sở Giáo dục và Đào tạo đã soạn thảo. Tuy nhiên, một số vấn đề cần được cân nhắc trong quá trình thực hiện, ví như phụ huynh có nhu cầu gửi con trong hè phải có đơn xin học. Nhà trường tùy theo điều kiện cụ thể về đội ngũ giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất của đơn vị mình để xem xét việc tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trong ngày hè. Quá trình thực hiện phải trên tinh thần tự nguyện.
 
Một vấn đề cũng được quan tâm đó là kinh phí đóng góp. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, sau khi việc dạy hè và dạy thêm được tổ chức trở lại các trường chỉ được thu tiền theo nguyên tắc thu đủ chi. Kinh phí đóng góp phải được thực hiện trên sự thỏa thuận tự nguyện. 
 
 
Trường mầm non xã Nghĩa Hòa, Nghĩa Đàn có không gian rộng, đẹp.
 
Dự kiến, kinh phí thực hiện kế hoạch tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ vào các ngày nghỉ và ngày hè được sử dụng từ nguồn kinh phí xã hội hóa theo nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận. Mức thu tối đa áp dụng theo từng khu vực, trong đó, với trường không tổ chức bán trú mức thu là 25.000 đồng/học sinh/ngày với các trường mầm non thuộc Thành phố Vinh, thị xã, thị trấn của các huyện đồng bằng và 22.000 đồng/học sinh/ngày với các trường còn lại. Riêng các trường mầm non có tổ chức bán trú, mức thu tối đa là 30.000 - 35.000 đồng/học sinh/ngày, tùy theo khu vực, vùng, miền.
 
Song Hoàng