Theo kết quả tổng điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, internet và nghe nhìn toàn quốc mới đây tại Nghệ An, các huyện đồng bằng có tỉ lệ phổ cập các dịch vụ khá cao và đồng đều; còn tại các huyện miền núi (đặc biệt là 6 huyện miền núi cao), tình hình phổ cập dịch vụ nghe nhìn có mật độ cao tại khu vực trung tâm và vùng lân cận; vùng sâu, vùng xa còn thấp.
Điển hình là huyện Kỳ Sơn hầu hết các chỉ tiêu đạt thấp nhất tỉnh (tỷ lệ người có di động chỉ đạt 14 %, (bình quân cả tỉnh là 36%); tỷ lệ hộ có ĐTCĐ 24%, (bình quân cả tỉnh 36%), tỷ lệ hộ có máy vi tính 2% (bình quân cả tỉnh 8%); tỷ lệ hộ có máy thu hình 39% (bình quân cả tỉnh 89%). Thấp nhất là tỷ lệgia đình dùng internet chỉ có 1%, tỷ lệ hộ dùng ăng ten dàn 1%... Không chỉ có máy thu hình mà kể máy thu thanh nhiều huyện miền núi cũng đạt rất thấp.
Internet về vùng cao Quỳ Châu.Ảnh: Bá Liễu.
Tại thời điểm điều tra, 10 huyện chưa có truyền hình cáp gồm: Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, Nghĩa Đàn, Con Cuông, Tân Kỳ, Anh Sơn, Yên Thành, Thanh Chương. Chỉ có tỷ lệ hộ dùng ăng ten chảo là miền núi lấn át miền xuôi vì địa hình đồi núi không thu được qua sóng của đài huyện. Trong đó, cao nhất là huyện Tân Kỳ đạt tỷ lệ 84%/ bình quân cả tỉnh là 55%. Chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông một số xã miền núi vùng sâu, vùng xa thiếu ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài nguyên nhân như điều kiện KT - XH khó khăn, trình độ dân trí hạn chế thì địa hình phức tạp, giao thông cản trở, dân cư phân tán, kết cấu hạ tầng yếu cũng là một trong những lí do để các doanh nghiệp ngại đầu tư ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Trong số các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, việc đầu tư hạ tầng cơ sở lẫn chiến lược phát triển thuê bao tốt phải kể đến Viettel và VNPT. Đến thời điểm này, VNPT Nghệ An cơ bản đã cáp quang hoá đến tất cả các huyện, thị, khu vực với chiều dài 3.500 km, đảm bảo cung cấp dịch vụ tốc độ cao đến hơn 90% số xã trên địa bàn Nghệ An.
Sử dụng điện thoại không dây ở vùng sâu Quỳ Hợp.Ảnh: Duy Thái
Tuy nhiên, theo ông Lê Đắc Kiên- Giám đốc VNPT Nghệ An thì sau khi Chương trình Cung ứng dịch vụ viễn thông công ích duy trì 5 năm chấm dứt, việc sử dụng dịch vụ của bà con có sự suy giảm, khả năng chi trả của người dân khó khăn chủ yếu dựa vào khuyến mãi của các nhà mạng. Riêng năm 2004, toàn bộ 100% xã trên địa bàn tỉnh đã có thông tin liên lạc dưới nhiều hình thức, kể cả visac.... nhưng do thời tiết, khí hậu cộng với công tác bảo quản duy trì vận hành còn nhiều bất cập, một số trang thiết bị đã hư hỏng nên hiện nay nhiều xã đã tái mù thông tin.
Ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, tỉnh cũng cần có chính sách ủng hộ cho các công trình vùng sâu, vùng xa để sớm đẩy nhanh tiến độ phủ sóng thông tin liên lạc tới 100% xã trên địa bàn, tạo môi trường pháp lý bằng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, rút ngắn thủ tục cấp phép xây dựng để các DN viễn thông phát triển theo hướng cạnh tranh lành mạnh góp phần thúc đẩy sự phát triển KT - XH.