Tốt nghiệp Đại học, có công việc ổn định ở thành phố nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên Hồ Sỹ Vương (xóm 1, Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu) quyết định về quê lập nghiệp. Vốn liếng bao năm tích cóp được anh quyết định đầu tư vào làm nông nghiệp.
Để tránh tình trạng phụ thuộc vào thương lái và “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, anh quyết định tìm cho mình một hướng canh tác khác biệt, đó là trồng rau thủy canh trong nhà kính.
Xây dựng nhà kính, lắp đặt các giá thể, hệ thống thủy canh hồi lưu đã “ngốn” hết của anh hơn 100 triệu đồng. Rồi cách gieo trồng, chăm sóc, thức ăn cho rau cũng khác với truyền thống. Đó là phải chọn cho được hạt giống rau tốt, tỷ lệ nảy mầm cao, khi tra hạt giống cần đổ một ít nước vào mút xốp để giữ ẩm, khoảng 4-5 ngày cây nảy mầm. Khi cây rau được hơn 10 ngày, sẽ tách ra, cho vào những giỏ nhựa và đặt lên hệ thống giá đỡ. Thức ăn của rau là hỗn hợp dinh dưỡng vi sinh được pha sẵn vào một thùng phuy lớn, cứ mỗi tiếng tưới 1 lần, mỗi lần 15 phút.
Theo anh Vương thì sản xuất rau thủy canh trong nhà kính có khá nhiều ưu điểm. Vì được che chắn, không phải tiếp xúc với đất, lại được trồng trên máng cao nên mô hình này hạn chế được sự lây lan của sâu bệnh, do đó không phải sử dụng các loại thuốc trừ sâu và chất bảo quản thực vật. Bên cạnh đó, toàn bộ chất dinh dưỡng được hòa tan trong nước nên có thể chủ động điều chỉnh dinh dưỡng cho cây. Hơn nữa, các chất dinh dưỡng được cung cấp theo yêu cầu của từng loại rau, đồng thời, có thể can thiệp, loại bỏ các chất gây hại cho cây và không có các chất tồn dư từ vụ trước.
Trong điều kiện nguồn dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ, rau sẽ phát triển nhanh và cho năng suất cao gấp 2 lần so với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Đặc biệt, canh tác theo hình thức này sẽ cho sản lượng rau ổn định quanh năm, nhất là vào mùa hè khô hạn, rau khan hiếm.
Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Anh Vương chia sẻ: “Đây là mô hình rất mới mẻ ở địa phương nên gặp không ít khó khăn. Về kỹ thuật trồng, tôi phải tự mày mò, học hỏi. Trong khi đó, đầu ra cho sản phẩm dường như là con số “0” vì ở địa phương nhà nào cũng trồng rau để bán còn để tiếp cận với thị trường ở TP.Vinh hay các nhà hàng, khách sạn, trường học thì chưa kết nối được”.
Dẫu khó khăn song Vương vẫn quyết định thử nghiệm, chấp nhận vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bán được chừng nào thì bán, bán không hết thì biếu, thì tặng để người tiêu dùng làm quen với rau thủy canh, rau sạch, an toàn.
“Mô hình trồng rau thủy canh của anh Vương góp phần vào việc đa dạng hóa các mô hình kinh tế của địa phương, mở ra hướng đi mới trong việc canh tác hữu cơ, sản xuất an toàn, xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch. Xã sẽ tạo mọi điều kiện về vốn vay, đất đai để các mô hình kinh tế mới phát triển hiệu quả”.