(Baonghean.vn) - Cồng chiêng Mường được coi là của thiêng vật báu, tượng trưng cho cả về mặt tinh thần và vật chất. Đầu thế kỷ XX, cứ 20 người dân Mường có một chiếc cồng, nay thì 120 người có một chiếc cồng. Người ta tính đầu thế kỷ XX, có 1 vạn chiếc cồng, thì cuối thế kỷ chỉ còn 4.000 chiếc và càng ngày càng hao hụt...
Cồng chiêng Mường là biểu tượng cao siêu nhất, tinh túy nhất của nghệ thuật dân gian Mường. Người Mường yêu quý và bảo vệ cồng chiêng như vật gia bảo của gia đình, dòng họ.
Cồng chiêng Mường khi làm vai trò nhạc cụ thì cấu thành giàn. Một giàn chiêng ít nhất từ 4 – 6 hoặc 8 chiếc. Đủ bộ 12 chiếc được chia thành 3 bộ (mỗi bộ 4 chiếc). Chiêng thể: (Chiêng ở âm khu cao) dùng thay đổi âm sắc, biến phách tạo nên sự rộn ràng cho dàn chiêng. Chiêng bồng: lớn hơn chiêng thể, có âm ở khu trung, giữ vai trò chủ đạo thể hiện các bài của dàn chiêng. Chiêng đằm: có kích thước lớn, âm trầm đang mở đầu cho các giàn nhạc, giữ nhịp cho giàn chiêng.